In bài viết

Thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

08:38 - 18/09/2024

(Chinhphu.vn) - Chiều tối 17/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương (Hà Nội), đã diễn ra phiên họp Thường trực Ủy ban Xã hội mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ năm 2015. 

Với đạo luật này, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động). 

Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Tuy nhiên, đến nay, một số quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: các quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; một số quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vừa được thông qua; quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 ...

Thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu

Ngoài ra, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, việc xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động trong Nghị quyết số 42-NQ/TW; quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách về bảo hiểm thất nghiệp trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan. 

Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ.

Thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)- Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thực hiện Luật; tính khả thi của các quy định; chế độ thất nghiệp; chế độ hỗ trợ học nghề; bảo đảm chính sách dân tộc; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; cần làm rõ hơn báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật...

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận các ý kiến phát biểu thẳng thắn, xây dựng trên tinh thần trách nhiệm cao; đề nghị Ủy ban Xã hội và Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chủ động tổ chức nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật, bảo đảm chất lượng.