Đó là mục đích Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sau hơn 10 năm triển khai thực thi, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số nội dung quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và không đồng bộ với một số quy định pháp luật chuyên ngành khác. Đặc biệt là một số vấn đề lớn, căn bản ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, thành lập khu CNTT tập trung còn thiếu.
Việc xây dựng Nghị định thay thế là cần thiết nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc về chính sách pháp luật. Đồng thời, bổ sung các quy định, chính sách mới để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu CNTT tập trung nói riêng và ngành công nghiệp CNTT nói chung. Cụ thể như sau:
Nghị định số 154/2013/NĐ-CP được ban hành trước Luật Đất đai năm 2013, do vậy các quy định về phân loại đất, thu hồi và giao đất, cho thuế đất, chế độ quản lý và sử dụng đất,… đối với dự án khu CNTT tập trung chưa được quy định. Điều này dẫn đến, các địa phương thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và triển khai thực hiện dự án đầu tư khu CNTT tập trung.
Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu CNTT tập trung được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tùy theo hình thức lựa chọn giao đất hoặc thuê đất. Thực tế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu CNTT tập trung vẫn chưa được áp dụng thực hiện.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ ngành, địa phương xây dựng các quy định về đất đai đối với loại hình khu CNTT tập trung trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Các nội dung chính sách dự kiến đưa vào dự thảo Luật Đất đai sẽ được đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP.
Trong Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và pháp luật về đầu tư chưa có quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung.
Vướng mắc này đã làm cho hoạt động đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung bị vướng mắc trong thời gian qua, nhất là đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Điều 21 và Điều 22 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP quy định các chính sách ưu đãi về chính sách thuế đối với khu CNTT tập trung. Đồng thời, theo pháp luật chuyên ngành về thuế quy định tại Nghị định 218/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính thì ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư mới.
Doanh nghiệp thành lập mới trong khu từ nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước không phải đăng ký dự án đầu tư mới nên thiếu sở cứ để áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, còn tồn tại một số điểm chưa đồng bộ giữa pháp luật về khu CNTT tập trung tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP với pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP. Theo đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định chỉ áp dụng đối với khu CNTT tập trung được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp.
Với cơ sở chính trị, pháp lý và thực tế nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP là cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng trong phát triển công nghệ thông tin nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động của các khu CNTT tập trung trên cả nước đồng thời phát huy hiệu quả quản lý nhà nước.
Mục đích xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý để xây dựng và phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin hoạt động, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước - ngành công nghiệp công nghệ thông tin; tạo vườn ươm cho doanh nghiệp mới phát triển, cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Thúc đẩy hình thành và phát triển các khu CNTT tập trung có quy mô hợp lý về diện tích mặt bằng, phân bổ hợp lý về lĩnh vực chuyên môn tại các địa phương có tiềm năng để bảo đảm hiệu quả đầu tư; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển khu CNTT tập trung.
Phát triển các khu CNTT tập trung theo mô hình chuỗi liên kết để tạo sự cộng hưởng trong phát triển công nghiệp CNTT, tạo giải pháp đột phá để phát triển các địa phương khó khăn theo hướng xanh và bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, vùng trọng điểm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.