In bài viết

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội: Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng

14:00 - 12/02/2025

(Chinhphu.vn) - Góp ý quy định về tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu Quốc cho rằng: Cần cân nhắc đề xuất bổ sung trường hợp tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội. Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng, chặt chẽ.

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội: Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội: Đáp ứng nhu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Sáng 12/2, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham gia thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình và Bắc Kạn.

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. 

Nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

Hồ sơ dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đã xin ý kiến các cơ quan theo quy định và đăng tải hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để lấy ý kiến nhân dân.

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội: Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Cần quy định rõ số lượng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ chung của các Ủy ban của Quốc hội

Phát biểu tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Tổ chức Quốc hội là luật gốc đối với các hoạt động của Quốc hội, còn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật gốc của quy trình, thủ tục, nội dung, thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc ban hành pháp luật phải theo trình tự của Luật để đảm bảo pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi và thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của hệ thống pháp luật.

Liên quan tới các cơ quan của Quốc hội, hiện nay, dự thảo Luật không quy định cụ thể về Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, việc thành lập Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cụ thể sẽ do Quốc hội quyết định và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. 

Đề cập tới nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Quốc hội có tính đặc thù, không giống các cơ quan hành chính khác. Cơ cấu tổ chức của Quốc hội là thiết chế rất căn bản nên cần nghiên cứu, cân nhắc quy định tên gọi của các Ủy ban trong Luật. Về những nội dung khác có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể.

Cùng quan điểm trên, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục quy định theo hướng Luật xác định rõ số lượng, tên gọi, chức năng nhiệm vụ chung của các Ủy ban của Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức và ban hành Quy chế làm việc mẫu của các cơ quan của Quốc hội.

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội: Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Cần cân nhắc đề xuất bổ sung trường hợp tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội

Quan tâm tới nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 39 quy định tại khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật về tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị cần cân nhắc quy định "có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội đó".

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, nếu có cơ sở để xử lý bằng pháp luật hình sự thì phải tuân theo Luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền; việc tạm đình chỉ nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội thuộc điểm a khoản này "a) Đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can".

Nếu trường hợp đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn là chưa đảm bảo tính khả thi. 

Do đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng quy định này cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Cán bộ, công chức.

Hơn nữa nội dung, tính chất để xử lý "cảnh cáo" đối với cán bộ rất đa dạng, có những nội dung như vi phạm về chính sách dân số... 

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cần cân nhắc căn cứ này khi bổ sung làm căn cứ để tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Sửa Luật Tổ chức Quốc hội: Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng- Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng

Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chỉ rõ, luật hiện hành chỉ quy định tạm đình chỉ khi khởi tố bị can.

Tuy nhiên dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) lại bổ sung quy định có cơ sở xác định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội là do người dân bầu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội phải hết sức thận trọng, chặt chẽ.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)./.