In bài viết

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp bộ máy

15:02 - 24/04/2025

(Chinhphu.vn) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp bộ máy- Ảnh 1.

Tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Tại phiên họp, các đại biểu cũng nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, mục đích ban hành Luật này là sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn. 

Đồng thời tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua. 

Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt để bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức bộ máy quản lý nhà nước thời gian qua và trong giai đoạn sắp tới.

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp bộ máy- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Quan điểm xây dựng Luật là bám sát và cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW,... 

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 03 Điều. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 62/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 26/143 điều, sửa kỹ thuật 20/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và bổ sung mới 01 điều.

Góp ý về nội dung này, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Hồ sơ dự án Luật có đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. 

Đa số ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật. 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị chưa sửa đổi các nội dung về thời hiệu xử phạt, mức xử phạt tiền tối đa tại dự thảo Luật này, vì đây là những nội dung có tác động lớn đến quyền của cá nhân, tổ chức, trong khi chưa có tổng kết và có đánh giá tác động đầy đủ.

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp bộ máy- Ảnh 3.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hiển phát biểu tại Phiên họp

Tránh việc xử phạt vi phạm hành chính trở thành gánh nặng của cá nhân, tổ chức

Đề cập về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (Điều 24), các ý kiến đề nghị việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực cụ thể cần tính toán phù hợp trên cơ sở tổng kết thực tiễn: bảo đảm tính tương quan giữa mức phạt tiền vi phạm hành chính với mức phạt tiền trong hình sự (theo nguyên tắc mức phạt tiền hành vi vi phạm hành chính không cao hơn mức phạt tiền về hình sự đối với cùng hành vi); 

Bảo đảm tương quan giữa mức phạt tiền vi phạm hành chính với thu nhập bình quân đầu người để tránh việc xử phạt vi phạm hành chính trở thành gánh nặng của cá nhân, tổ chức.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 37a), các đại biểu tán thành việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành trong thời hạn kiểm tra để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính khi dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bỏ thanh chuyên ngành tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ một số đơn vị đặc thù).

Tuy nhiên, hiện nay chưa có luật về kiểm tra nên có thể không bảo đảm tính nhất quán, thống nhất trong xử phạt vi phạm hành chính giữa các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn về nội dung này trong quá trình triển khai thực hiện. 

Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát từng chức danh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan như: Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán; dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)...

Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản; về quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; về quy định chuyển tiếp… 

Đồng thời các ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định trong các dự thảo Luật có liên quan trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.