Nhằm thống nhất cơ chế trong quản lý, sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất chuyên dùng, hiện Bộ Tài chính đang bắt đầu triển khai xây dựng nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý - ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính chia sẻ trên Thời báo Tài chính Việt Nam.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có Công văn chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.
Theo đó, Bộ Tài chính đang bắt đầu triển khai, thực hiện xây dựng Nghị định này. Dự kiến Nghị định sẽ điều chỉnh việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất (không bao gồm nhà ở, đất ở) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.
Nghị định sẽ bao gồm các nội dung chính là: Quy định về việc phân loại nhà, đất đang giao cho tổ chức có chức năng, quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý; quy định về việc giao nhà, đất cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương (đơn vị sự nghiệp, công ty quản lý, kinh doanh nhà) quản lý; quy định về các hình thức quản lý, khai thác nhà, đất; quy định về việc xác định giá cho thuê, đấu giá cho thuê; quy định về hạch toán, theo dõi, bảo trì tài sản; quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng trên diện tích nhà, đất cho thuê; quy định về việc xử lý nhà, đất; quy định về việc quản lý sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác nhà, đất; chế tài xử lý các hành vi vi phạm; quy định về xử lý chuyển tiếp.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương thực hiện quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23.706.619 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2.
Nói sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, hiện nay việc giao tài sản nhà, đất cho các đối tượng quản lý tại Luật Quản lý tài sản công đã quy định rõ: Giao cho cơ quan nhà nước quản lý, giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, giao cho các tổ chức quản lý, giao cho doanh nghiệp quản lý. Theo đó, nếu giao quản lý nhà, đất cho tổ chức nào thì sẽ có cơ chế tương ứng đối với tổ chức đó.
Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất về cơ chế trong quản lý sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất này, Bộ Tài chính đã đề xuất, báo cáo với Thủ tướng xây dựng một nghị định để quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Khi đó sẽ xác định quỹ nhà, đất nào còn tiếp tục giữ, quỹ nhà, đất nào phải xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan và nếu giữ lại thì sẽ giao cho đối tượng nào quản lý, gắn với cơ chế sử dụng và khai thác đối với từng loại hình tổ chức đó.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý Công sản, tính đến nay Cục đã nhận được báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.
Trong đó, 31 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà; 32 địa phương không có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương thực hiện quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23.706.619 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2.
Trong đó diện tích đất ở là 21.983.544 m2, diện tích nhà ở là 4.334.122,3 m2; diện tích đất không để ở là 21.535.047,3 m2, diện tích nhà không để ở là 1.215.112,6 m2./.