Ngày 4/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm, làm việc với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao, biểu dương những kết quả hoạt động của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong năm 2024, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội và đất nước.
Qua báo cáo của hai Ủy ban cho thấy, khối lượng công việc của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong năm 2024 là vô cùng lớn.
Trong đó, hai Ủy ban đã thẩm tra để Quốc hội xem xét, quyết định nhiều đạo luật, nhiều vấn đề hết sức quan trọng, góp phần tích cực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực, đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...
“Các đồng chí đã làm việc ngày đêm miệt mài, thảo luận, tranh luận để đi đến thống nhất, trình Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thông tin một số nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy của hai Ủy ban trong thời gian tới, trong đó, dự kiến hai Ủy ban sẽ hợp nhất thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc các đồng chí trong Thường trực hai Ủy ban và cán bộ, công chức của hai Vụ đã đoàn kết, thống nhất, ủng hộ, đồng lòng thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đặt nền tảng cho định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030, gắn với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả. Trong bối cảnh đó, các cơ quan của Quốc hội đang khẩn trương triển khai chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong quá trình đó, “tất cả chúng ta phải đoàn kết, tinh thần đoàn kết sẽ quyết định thắng lợi mọi nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới. Mỗi người gác việc riêng, vì việc chung, mỗi ngày phải suy nghĩ làm được gì cho cơ quan, cho Ủy ban và có sản phẩm cụ thể, đo đếm được“, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải xác định năm 2025 là năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, qua đó, chọn người tài, người tận tâm cống hiến cho sự nghiệp chung.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong giai đoạn hiện nay, mỗi đại biểu, mỗi cán bộ, công chức càng phải giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, kiên định mục tiêu, vì Đảng, vì Dân, vì sự phát triển của đất nước.
Trước đó, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về kết quả hoạt động của hai Ủy ban trong năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, tận tụy, nỗ lực, hai Ủy ban đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Trong đó đã chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra, tham mưu nhiều nội dung quan trọng của đất nước, góp phần tích cực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời kịp thời quyết định nhiều chủ trương, chính sách, dự án lớn có ý nghĩa lan tỏa, đột phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác lập pháp được ưu tiên, chú trọng và triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, chất lượng tiếp tục được nâng lên.
Hai Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội biểu quyết thông qua 9 Luật, trong đó nổi bật là công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội biểu quyết thông qua 2 dự án Luật đặc biệt khó, phức tạp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 là Luật Đất đai (sửa đổi) sau 4 lần trình Quốc hội cho ý kiến và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau 3 lần trình Quốc hội cho ý kiến, theo quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ.
Gần đây nhất là Kỳ họp thứ Tám với 5 dự án Luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua, trong đó có 3/5 dự án Luật được bổ sung đột xuất vào Kỳ họp, đề xuất thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp, tính chất khó, phức tạp, tiến độ gấp nhưng có ý nghĩa đặc biệtquan trọng, như: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Công tác giám sát được triển khai tích cực, ngày càng đi vào thực chất. Năm 2024 hai Ủy ban đã chủ trì triển khai hiệu quả 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Các hoạt động phối hợp giữa hai Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Kinh tế đã đồng phối hợp triển khai giám sát chuyên đề tối cao về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, công tác phối hợp giữa 2 Ủy ban, kết quả đạt được là tiền đề, kỳ vọng kết quả tích cực cho hoạt động của Ủy ban Kinh tế và Tài chính tới đây.
Nhiều nội dung, vấn đề quan trọng của đất nước được hai Ủy ban thẩm tra, đánh giá kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ, đã trình Quốc hội cho ý kiến, biểu quyết thông qua 15 Nghị quyết, trong đó nổi bật là các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố (Nghệ An, Đà Nẵng, Hải phòng); Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất...
Thống kê cho thấy, khối lượng công việc của hai Ủy ban trong nhiều năm luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối lượng công việc chung của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh đó, với tinh thần trách nhiệm cao, hai Ủy ban đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nghiêm túc quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, phối hợp xây dựng phương án hợp nhất 2 Ủy ban, đáp ứng yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao, sự quyết tâm và đồng lòng của toàn thể các thành viên, hai Ủy ban sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.