In bài viết

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp theo chuỗi giá trị

11:55 - 26/10/2022

(Chinhphu.vn) - Theo Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Phát triển nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.

Nghị quyết 138/NQ-CP nêu rõ  định hướng phát triển và phân bố không gian một số ngành chủ lực.

Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại

Cụ thể, về công nghiệp, phát triển nền công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. 

Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... 

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học...), công nghệ số, công nghệ mới; chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp... 

Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. 

Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại vùng đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, tài nguyên

Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, tài nguyên; mở rộng các cụm công nghiệp (chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp gia công, hỗ trợ...) gắn với các trung tâm phát triển ở khu vực nông thôn. 

Phân bố các khu, cụm công nghiệp với quy mô hợp lý, tập trung chuyên ngành, gắn kết sản xuất với dịch vụ công nghiệp; phát triển các tổ hợp công nghiệp chuyên sâu trong các lĩnh vực. 

Hình thành các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại; bảo đảm sự kết nối đồng bộ giữa khu công nghiệp với hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế

Về dịch vụ, phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế. Xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế.

Phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam; cơ cấu lại theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa phương thức kinh doanh. 

Phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, phù hợp với đặc điểm và điều kiện từng vùng. Phát triển vững chắc thương mại quốc tế đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa. Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử. 

Hình thành các trung tâm logistics lớn gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn.

Hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng với tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế để thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển du lịch của vùng và cả nước.

Cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa

Về nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới với các vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả với quy mô phù hợp dựa trên lợi thế vùng, miền, địa phương; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với công nghiệp chế biến và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp theo chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo

Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý. 

Vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Tăng diện tích trồng cây ăn quả, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn vùng Tây Nguyên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc. 

Đối với khu vực ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; giảm dần mức độ khai thác thủy sản vùng khơi, bố trí lại sinh kế của cộng đồng ngư dân sang phát triển nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, dịch vụ du lịch.