Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 200/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự trong đó có quy định về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ cho công tác phòng thủ dân dự.
Nghị định số 200/2025/NĐ-CP ngày 9/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự gồm XI chương, 54 Điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự, bao gồm: Thông tin về sự cố, thảm họa; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; công trình phòng thủ dân sự; ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; thống kê, đánh giá thiệt hại; huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; quỹ phòng thủ dân sự; nội dung chi ngân sách cho hoạt động phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự.
Tại chương VII, Nghị định 200/2025 đã quy định về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ. Cụ thể:
Tại Điều 19, Nghị định quy định về huy động, vận động đóng góp tự nguyện như sau:
1. Việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện cho công tác phòng thủ dân sự được thực hiện dưới các hình thức: Đóng góp vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tham gia vận động đóng góp tự nguyện theo quy định của pháp luật và hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.
2. Việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện nguồn lực quốc tế đẻ cứu trợ, khắc phục thiệt hại hậu quả sự cố, thảm họa thực hiện theo điều ước quốc tế có liên quan và quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tại trợ nước ngoài; quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 20, Nghị định số 200/NĐ-CP quy định về phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ như sau:
1. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp quyết định sử dụng nguồn lực để ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
2. Trường hợp thiệt hại lớn, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, UBND cấp tỉnh, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn lực.
Đối với nguồn dự phòng ngân sách trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; đối với nguồn vốn khác, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật liên quan.
3. Căn cứ quyết định cứu trợ, hỗ trợ để khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của UBND cấp trên, chậm nhất 20 ngày kể từ ngày có quyết định cứu trợ, hỗ trợ, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp dưới tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp phân bổ để triển khai thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp trên.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự quốc gia trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự địa phương các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất UBND cùng cấp xem xét, thu hồi, điều chuyển nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ và xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng hoặc để chậm trễ, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Điều 21 quy định về trách nhiệm, thẩm quyền phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ như sau:
1. Chủ tịch UBND các cấp căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cùng cấp quyết định sử dụng ngân sách địa phương, quỹ phòng thủ dân sự và các nguồn lực hợp pháp khác để cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
2. Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự để bố trí, phân bổ nguồn lực trong phạm vi chức năng, quyền hạn để khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa thuộc phạm vi quản lý và cứu trợ, hỗ trợ các địa phương theo thẩm quyền; trường hợp quá khả năng, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 22, quy định về triển khai nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương như sau:
1. Căn cứ quyết định hỗ trợ nguồn lực để khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ và địa phương có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh phân bổ để triển khai thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, bá cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ và địa phương triển khai sử dụng nguồn lực được hỗ trợ. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thu hồi kinh phí hỗ trợ và xử lý các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, đối tượng hoặc để chậm trễ, không kịp thời, gây lãng phí, kém hiệu quả./.