In bài viết

Quy định tiêu chuẩn với giảng viên đào tạo, bồi dưỡng công chức

21:44 - 13/05/2023

(Chinhphu.vn) - Thông tư 03/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định tiêu chuẩn với giảng viên đào tạo, bồi dưỡng công chức - Ảnh 1.

Thông tư 03/2023/TT-BNV quy định định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể - Ảnh: VGP

Tiêu chuẩn đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Thông tư 3/2023/TT-BNV ngày  30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP.

Tiêu chuẩn với giảng viên cao cấp:

+ Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy.

+ Có trình độ lý luận chính trị theo quy định.

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

+ Sử dụng được công nghệ thông tin và ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Tiêu chuẩn với giảng viên chính:

+ Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy.

+ Có trình độ lý luận chính trị theo quy định.

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

+ Sử dụng được công nghệ thông tin và ngoại ngữ (quy định cũ có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1)) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Tiêu chuẩn với giảng viên:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy.

+ Có trình độ lý luận chính trị theo quy định.

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

+ Sử dụng được công nghệ thông tin và ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Thay đổi yêu cầu về trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ

So với quy định cũ, Thông tư 03/2023/TT-BNV đã thay đổi yêu cầu về trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ với giảng viên cao cấp, giảng viên chính giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BNV, giảng viên cao cấp, giảng viên chính, giảng viên phải có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, giảng viên cao cấp phải có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2), giảng viên chính có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1), giảng viên có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Còn Thông tư 03/2023/TT-BNV quy định giảng viên cao cấp, giảng viên chính, giảng viên sử dụng được công nghệ thông tin và ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy

Thông tư 03/2023/TT-BNV quy định thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy.

 Cụ thể, thời gian làm việc của giảng viên thực hiện theo chế độ làm việc 40 giờ trong một tuần.

 Tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác là 1.760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.

 Giờ chuẩn giảng dạy là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết để hoàn thành một khối lượng công việc nhất định thuộc nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên tương đương với một tiết giảng lý thuyết, thực hành trên lớp (hoặc giảng dạy từ xa), bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.

Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết (45 phút) giảng bài, thảo luận trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy từ xa) được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy và được quy định cụ thể tại Điều 19 Thông tư này.

 Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy trong một năm:

 a) Giảng viên tập sự: Tối đa 90 giờ chuẩn.

 b) Giảng viên: 270 giờ chuẩn.

 c) Giảng viên chính: 290 giờ chuẩn.

 d) Giảng viên cao cấp: 310 giờ chuẩn.

đ) Giờ chuẩn trực tiếp lên lớp của các chức danh giảng viên quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản này chiếm tối thiểu 50% định mức quy định tương ứng.

 Thủ trưởng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quy định cụ thể định mức giờ chuẩn cho từng giảng viên, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không cao hơn hoặc thấp hơn 15% so với định mức giờ chuẩn.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể

Giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể thực hiện giảng dạy theo khung định mức giờ chuẩn dưới đây:

Chức danh
Tỷ lệ % định mức giờ chuẩn

Giám đốc, Hiệu trưởng

15% - 20%

Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng

20% - 25%

Trưởng phòng và tương đương

25% - 30%

Phó Trưởng phòng và tương đương

30% - 35%

Trưởng khoa và tương đương

75% - 80%

Phó Trưởng khoa và tương đương

80% - 85%

Bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn

55% - 60%

Phó Bí thư đảng ủy, Phó Chủ tịch công đoàn, Trưởng Ban thanh tra nhân dân, Trưởng Ban nữ công, Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Bí thư chi đoàn, Tổ trưởng Thanh tra đào tạo, bồi dưỡng và các chức danh tương đương

60% - 65%

Phó Bí thư chi đoàn

85% - 90%