In bài viết

QUY ĐỊNH MỚI: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thuế

12:51 - 12/07/2025

(Chinhphu.vn) - Tại Nghị định số 189/2025/NĐ-CP, Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thuế.

Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2025/NĐ-CP, ngày 1/7/2025 quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong đó quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thuế.

Nghị định này quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phát, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh theo quy định tại khoản 2 Điều 37a của Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2025.

Đối tượng áp dụng: Cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, Nghị định quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: Chủ tịch UBND; Thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực và một số chức danh khác; Thanh tra; Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Quản lý thị trường; cơ quan thuế; Kiểm lâm; Kiểm ngư; cơ quan thi hành án dân sự; Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thuế

Tại Điều 13, Nghị định 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thuế.

Cụ thể: Thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thuế đối với hành vi khai sai dẫn dẫn thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; trốn thuế; vi phạm của ngân hàng thương mại trong việc không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế nợ phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đối với hành vi vi phạm hành chính khác, thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thuế được quy định như sau:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của công chức Thuế đang thi hành công vụ và Trưởng Thuế cơ sở

1. Công chức Thuế đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.

2. Trưởng Thuế cơ sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại các điểm a, e, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thuế; Trưởng Thuế tỉnh, thành phố

3. Chi cục trưởng Chi cục Thuế; Trưởng Thuế tỉnh, thành phố có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Thuế

4. Cục trưởng Cục Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thuế quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành nghị định này./.