Sáng 2/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Phát biểu tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao hồ sơ chuẩn bị kỹ lưỡng; đều thống nhất cần sửa đổi Luật Công an nhân dân nhằm thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đánh giá, cơ quan soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị dự án luật kỹ lưỡng; đã tổ chức lấy ý kiến với nhiều hình thức khác nhau. Chính phủ cũng đã xây dựng nghị định chi tiết quy định các điều khoản để trình kèm hồ sơ dự án luật.
“Đây là một trong số ít hồ sơ dự án luật mà có dự thảo văn bản chi tiết kèm theo theo đúng quy định”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật, cho rằng, các nội dung được sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn.
Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cũng nhất trí cần thiết sửa đổi luật, khẳng định, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ tận dụng được nguồn lao động chất lượng cao, việc nâng tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sẽ góp phần làm tăng quỹ bảo hiểm khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đóng bảo hiểm cao hơn, phù hợp với Bộ luật lao động.
Theo đại biểu, đề xuất quy định tăng thời hạn phục vụ trong Công an nhân dân là có cơ sở, phù hợp với thực tiễn vì đối với nam sĩ quan, hạ sĩ quan tăng 2 tuổi tương đương với tuổi nghỉ hưu quy định của Bộ luật lao động.
Đối với nữ sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 55 tuổi thì tăng 2 tuổi nhằm bảo đảm thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
"Đặc biệt, đối với lực lượng trực tiếp chiến đấu thì hạn tuổi phục vụ thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định trong Bộ luật lao động và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cũng tán thành với các nội dung trong Dự thảo Luật Công an nhân dân và nhất trí với sự cần thiết ban hành luật như trong tờ trình.
Đại biểu góp ý về quy định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, một sĩ quan Công an nhân dân khi đã trải quá trình công tác, chiến đấu, uy tín, sự ngưỡng mộ, sự trân trọng được đồng nghiệp, nhân dân ghi nhận một cách tự nhiên.
Khi đó, nếu đủ điều kiện, phong hàm cấp Tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận là xứng đáng; đồng thời, có thêm điều kiện để họ tiếp tục hoàn thành sứ mạng, trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân.
“Chính sách về xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn cho sĩ quan Công an nhân dân khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự là cần thiết, có ý nghĩa và trong thời điểm hiện tại, chính sách này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng cho ý kiến về Dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc sửa đổi luật là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng kết Luật Công an nhân dân 2018, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, chuẩn bị các bước xây dựng trình dự án luật đúng quy định, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến tham gia các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học…
Về việc bổ sung vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng được quy định cho sĩ quan Công an nhân dân biệt phái giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, điều này là phù hợp thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc, ở những vị trí có tính chất, chức năng nhiệm vụ tương đương nhau thì chế độ chính sách, cấp bậc hàm cao nhất là giống nhau; bảo đảm sự đồng bộ thống nhất về cấp bậc hàm với chức vụ, chức danh tương đương trong lực lượng vũ trang nói chung và trong Công an nhân dân nói riêng.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc là phù hợp vì luật chỉ nên quy định những nội dung cơ bản có tính ổn định, đã được kiểm nghiệm còn việc cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để triển khai thực hiện nên giao Chính phủ và các bộ ngành liên quan hướng dẫn.
Đồng tình với ý kiến của một số đại biểu, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhận định, việc bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp hàm Thiếu tướng là phù hợp, cần thiết.
Ngoài ra, việc bổ sung quy định, Trung đoàn trưởng Cảnh sát Cơ động là Đại tá hoàn toàn hợp lý vì đây là đơn vị thuộc bộ, tương đương trưởng phòng đơn vị thuộc Bộ.
Về việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt, theo đại biểu Tô Văn Tám, việc kéo dài thời hạn phục vụ đối với những người giỏi chuyên môn nghiệp vụ góp phần rất lớn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an nhân dân song họ phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp dự án Luật sửa đổi bổ sung một điều của Luật Công an nhân dân.
Về các ý kiến của đại biểu đối với các nội dung: quy định sĩ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; quy định các vị trí cấp Tướng đối với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố…; đề nghị cân nhắc một số quy định về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an như quy định nữ Thượng tá tăng 3 tuổi, nữ Đại tá tăng 5 tuổi; đề nghị bổ sung quy định về cấp bậc hàm đối với Phó Chủ tịch Quốc hội; đề nghị chế độ chính sách về đào tạo nghề đối với chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ CAND; chế độ chính sách đối với cán bộ Công an cấp cơ sở… Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, báo cáo Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật./.