Chia sẻ tại Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, TS.BS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn.
Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn.
"Từ trước tới nay chúng tôi vẫn biết vaccine là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là công tác phòng chống dịch. Trong 58 bệnh truyền nhiễm, hiện có hơn 40 bệnh có vaccine.
Vaccine sốt xuất huyết được cấp phép vào tháng 5/2024. Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền. Vaccine rất hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam". Ông Đức thông tin.
Theo GS.TS. Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, có được vaccine sốt xuất huyết là niềm vui của nhân loại. Đó là thành công của nhân loại cũng như là một tiến bộ khoa học mà tất cả mọi người dân, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới, đang mong đợi.
Theo dữ liệu của Công ty Takeda thì vaccine TAK 003 bao gồm 4 type được thử nghiệm trên 14 quốc gia với trên 28.000 người tham gia. Kết quả cho thấy vaccine TAK 003 này có tác dụng bảo vệ nhiễm virus Dengue đến 80,2% và chống nhập viện là 90,4%.
Hiện nay, vaccine này đã được triển khai ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó hàng triệu liều được triển khai ở Brazil, Argentina, Indonesia và Việt Nam. Đến lúc này, chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng hoặc trầm trọng được ghi nhận. Điều đó chứng tỏ vaccine hiện nay an toàn và có hiệu quả cho người sử dụng.
Cũng tại Tọa đàm, chia sẻ về chiến lược hợp lực phòng, chống sốt xuất huyết sau khi người dân tiếp cận được vaccine rộng rãi, GS.TS. Vũ Sinh Nam cho biết, phòng chống sốt xuất huyết truyền thống của chúng ta là diệt muỗi truyền bệnh - diệt vector. Bây giờ chúng ta có thêm vũ khí mới là vaccine, rất tuyệt vời.
Nếu chỉ sử dụng vaccine không thì chúng ta thấy không thể toàn diện được bởi vì vẫn còn muỗi, bọ gậy, vẫn còn virus thì vẫn còn nguy cơ cao.
Vì vậy, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine.
Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn là ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector được. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Mặc dù các nước đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để đảm bảo tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài.
Tiếp theo là phải tiếp tục công tác giám sát và cập nhật các thông tin về sốt xuất huyết và sẵn sàng phát hiện sớm những biển hiện bùng phát dịch để có biện pháp tổng hợp như vaccine và diệt vector để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả.