In bài viết

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

18:37 - 21/08/2024

(Chinhphu.vn) - Xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau… Vì vậy, muốn xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa, chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình xây dựng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Chiều 21/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Cụ thể hóa, chi tiết hóa các hành vi liên quan đến công tác ban hành văn bản

Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho biết, qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, vẫn phát hiện nhiều văn bản có quy định trái pháp luật và tác động ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên gắn với việc thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hoạt động kiểm tra văn bản được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; vừa qua có sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ thường xuyên phải tự kiểm tra các văn bản do mình ban hành.

Bộ Tư pháp cũng thực hiện như các bộ, ngành khác và thêm nhiệm vụ nữa là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đề xuất giải pháp xử lý. Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp (so với văn bản cấp trên ban hành thì có phù hợp không), các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đặt câu hỏi chất vấn

Qua số liệu có được, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa được thực hiện tốt.

Nguyên nhân là do các cơ quan chưa chủ động trong thực hiện; cơ chế giám sát, kiểm tra còn hạn chế.

Khẳng định Chính phủ ý thức rất rõ về tầm quan trọng của công việc này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hy vọng sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để rõ hơn hành vi liên quan đến thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành về công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức; cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, làm việc trực tiếp với các cơ quan.

Đồng thời, cần thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật..

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc xây dựng văn bản quy định chi tiết luật

Cũng tại phiên chất vấn, thông tin về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tính từ 1/10/2023 đến nay, tổng số các văn bản Chính phủ và các Bộ cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết. Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, đến thời điểm này ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản. So với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản tốt hơn. Trong số các văn bản đã ban hành, có tới 58 văn bản được ban hành cùng lúc với thời điểm các luật, pháp lệnh có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn

Về nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng cho biết, đã được Chính phủ nêu rõ trong nhiều báo cáo khác nhau, trong đó có các nguyên nhân là số lượng văn bản nhiều, có những văn bản nội dung khó, "mặc dù bàn đi, bàn lại nhưng vẫn chưa có giải pháp" ví dụ như nghị định về tổ chức đại diện của người lao động thương lượng tập thể, hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.

Một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn quy trình giữa cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ; tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các cấp, các ngành tích cực hơn nữa trong soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Trong quá trình soạn thảo luật cần rà soát đầy đủ và ước lượng được những khó khăn, thách thức trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết để có hướng xử lý.

Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

Tham gia phiên chất vấn, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn đại biểu TP.HCM) đặt vấn đề: 'Có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật hay không?'.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết qua các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng như kết luận về các vụ việc vi phạm do cơ quan thanh tra, kiểm tra ban hành, và thông tin do bản thân tiếp cận được, "có biểu hiện đó", nhưng mức độ đến đâu thì chưa thể khẳng định.

Thời gian qua, Bộ Chính trị ban hành các quy định liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án, xây dựng pháp luật…

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Công tác rà soát pháp luật được thực hiện tương đối tốt

Trong số trên, quy định về kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật là khó hơn cả, bởi đây là lĩnh vực có những đặc thù nhất định. Xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau…

Cũng vì là công trình tập thể, muốn xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa, phải gắn với quan hệ nhân quả, chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình xây dựng. Vấn đề này không thể bằng mắt thường hay hành chính mà có thể phát hiện được.

Sau khi có Quy định số 178 của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ "quán triệt kỹ, chứ không phải nghe qua qua". Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt, đồng thời hiện thực hóa các giải pháp trong dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Rà soát văn bản pháp luật được tiến hành tích cực và khẩn trương

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu câu hỏi về các giải pháp hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật? Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt vấn đề về các giải pháp mạnh để xử lý tình trạng văn bản có quy định trái pháp luật nhưng chậm xử lý.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết rà soát pháp luật là một nội dung được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản các Bộ, ngành, các chủ thể ban hành pháp luật có trách nhiệm tự mình rà soát sau khi ban hành văn bản, công tác này được thực hiện định kỳ và là trách nhiệm thường xuyên. Trong một số trường hợp sẽ có những rà soát ở tầng, mức khác nhau, có thể là tổng rà soát hoặc rà soát theo các chuyên đề. Thực tế có thể khẳng định, trong năm 2023, 2024 công tác rà soát pháp luật được thực hiện tương đối tốt.

Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ cùng với UBTVQH thực hiện rà soát trong 22 lĩnh vực. Sau đó, Chính phủ đã có Báo cáo 135 vào tháng 4 và Báo cáo 587 trình Quốc hội vào tháng 10/2023. Cùng việc này, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp rà soát một số chuyên đề trong một số lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát. Như vậy trong suốt 2 năm vừa qua có rất nhiều hoạt động rà soát được tiến hành một cách tích cực và khẩn trương.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 5.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi chất vấn

Kết quả rà soát gần 600 văn bản ở các loại khác nhau đã phát hiện một số vấn đề, từ đó Chính phủ đề xuất phương án đối với những văn bản nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì sửa ở tầm đó và phải đảm bảo chất lượng. Tính đến giữa tháng 8/2024, đã có 86 nội dung được phát hiện liên quan đến các luật, văn bản thuộc thẩm thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được xử lý. Ban chỉ đạo rà soát cũng xác định rõ các vấn đề và báo cáo Quốc hội để tới đây đề xuất sửa đổi một số luật trên cơ sở kết quả của tổ rà soát.

Về kiểm tra văn bản, đồng tình với nhận định của đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, việc phát hiện vi phạm ở các văn bản cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới là chúng ta phải tiếp tục hoàn hiện về pháp luật; đồng thời tăng cường trách nhiệm công khai và gửi văn bản cho các cơ quan kiểm tra văn bản.

Nếu mỗi người làm tốt trách nhiệm công vụ thì tình hình sẽ tốt hơn

Theo đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỷ lệ chưa thi hành án hành chính hiện nay còn cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đâu là nguyên nhân cũng như là giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Về án hành chính, Phó Thủ tướng cho biết số lượng tăng, tính từ trước đến nay có trên 1.700 bản án hành chính, trong đó, trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Tư pháp chỉ là theo dõi bản án đi vào tòa án nào; sau khi có bản án, việc tổ chức thi hành ra sao. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng án hành chính năm 2024 đã tăng 224 bản án. Một số tỉnh có án hành chính tồn đọng cao như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Nội. Một trong những giải pháp thời gian tới là tăng cường kiểm tra, phối hợp với cơ quan tố tụng tổng kết đánh giá và đề xuất các giải pháp mới khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 6.

ại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chất vấn về giải pháp khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án

Cũng về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chất vấn về giải pháp khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án?

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, liên quan đến thực hiện quy định về tố tụng hành chính và tổ chức thi hành các bản án hành chính, trong thời gian qua, trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án hành chính lần đầu tiên được đưa vào trong Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản đôn đốc. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến nhiều…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thẩm quyền và toàn bộ vấn đề liên quan đến tổ chức thi hành án hành chính hiện đang nằm trong Nghị định 71.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình thực hiện việc này, cũng có người trong hệ thống thi hành án đề xuất Quốc hội xây dựng luật nhưng ông không đồng tình bởi tổ chức thi hành án hành chính thì trước hết gắn liền với trách nhiệm công vụ. Do đó chúng ta phải làm sao tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc thi hành, có thể thông qua sức ép của dư luận, báo chí. Nêu cao trách nhiệm công vụ, trách nhiệm công vụ là quan trọng hơn. Nếu mỗi người làm tốt trách nhiệm công vụ thì tình hình sẽ tốt hơn.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Vấn đề chi phí giám định tư pháp sẽ được cải thiện hơn

Vấn đề chi phí giám định tư pháp sẽ được cải thiện hơn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chi phí giám định, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong số các nội dung về giám định mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần chất vấn trước, nội dung về chi phí giám định có ít tiến triển nhất. Các vụ việc tồn đọng trong giám định đã giảm. Trong việc ban hành thể chế, số lượng các bộ, ngành ban hành hướng dẫn, quy định liên quan đến công tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình đã tăng lên.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay, các vấn đề liên quan đến chi phí giám định thực hiện theo Quyết định số 01 ban hành năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá và dự kiến trình một văn bản mới. 

Trong quá trình triển khai, cần thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương, trong đó có "lương hóa" tất cả các khoản chi và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù, nên tiến độ triển khai đã chậm lại. Ý kiến của các Bộ, ngành tương đối thống nhất về vấn đề này.

Bên cạnh đó, pháp lệnh về chi phí tố tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi, hoạt động chi.

Hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đang trình dự thảo Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần vấn đề giám định tư pháp. 

Chính phủ đã có đóng góp ý kiến, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Cùng với việc xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, vấn đề này cũng sẽ được cải thiện hơn.