In bài viết

Phải xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản

06:00 - 18/07/2022

(Chinhphu.vn) - Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) là vấn đề cần được quan tâm. Theo TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đây là vấn đề mang tính lịch sử, cần phải xử lý dứt điểm.

Nợ đọng xây dựng cơ bản  luôn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công

Trao đổi về vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trên báo Đầu tư về vấn đề này, TS. Hà Thị Mỹ Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng: Trong thời gian qua, nợ đọng xây dựng cơ bản  luôn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công. 

Phải xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản - Ảnh 1.

TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.

Nợ đọng xây dựng cơ bản luôn đi kèm với tình trạng kéo dài thời gian hoàn thành dự án, chậm đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng, dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư. 

Bên cạnh đó, nợ đọng còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng do bị chiếm dụng nguồn vốn lớn, trong khi vốn của doanh nghiệp lại hạn chế, chủ yếu huy động vốn vay.

Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm hạn chế nợ xây dựng cơ bản, đặc biệt từ khi có Luật Đầu tư công năm 2014 ( nay là Luật Đầu tư công 2019) với các quy định chặt chẽ, cùng hàng loạt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp xử lý nợ đọng, nhất là, Chỉ thị số 23/CT-TTg (ngày 5/8/2014) yêu cầu: “Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng XDCB”, “Các bộ, ngành, địa phương để phát sinh nợ đọng từ ngày 1/1/2015 (Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành) bị xử lý vi phạm theo các quy định tại Luật Đầu tư công”,... nhờ những chỉ đạo quyết liệt này, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã từng bước được khắc phục.

Nợ đọng xây dựng cơ bản là vấn đề mang tính lịch sử

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn chưa xử lý dứt điểm được tình trạng nợ đọng, thậm chí nợ đọng xây dựng cơ bản còn có dấu hiệu quay trở lại, TS. Hà Thị Mỹ Dung cho rằng, có tình trạng này là do nợ đọng xây dựng cơ bản là vấn đề mang tính lịch sử, vừa có yếu tố khách quan, vừa có yếu tố chủ quan, đặc biệt trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, khả năng cân đối của một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo, nên việc xử lý nợ đọng và kiểm soát không để phát sinh mới nợ còn một số hạn chế. 

Những hạn chế này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong kết quả kiểm toán năm 2021 và các năm gần đây, như phê duyệt quyết định đầu tư chưa đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến không có kế hoạch bố trí vốn; bố trí kế hoạch vốn không đủ tổng mức đầu tư được duyệt.

Thời gian qua, vẫn còn trường hợp một số bộ, ngành, địa phương chưa ưu tiên bố trí giải quyết nợ xây dựng cơ bản theo quy định của Luật Đầu công, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản 

Đánh giá về các giải pháp của Chính phủ trong giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thời gian qua, TS. Hà Thị Mỹ Dung cho rằng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trước năm 2015 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Cụ thể, trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã bố trí đủ cho các bộ, ngành, địa phương thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương đến hết ngày 31/12/2014 là 7.481,3 tỷ đồng (không bao gồm số nợ đọng xây dựng cơ bản bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia).

Tuy nhiên, thực tế qua kiểm toán cho thấy, vẫn còn một số trường hợp nợ đọng phát sinh trước thời điểm ngày 1/1/2015, song chưa được bố trí kế hoạch vốn trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thanh toán, nên vẫn chưa được xử lý triệt để, dẫn đến phải bố trí kế hoạch vốn thanh toán trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 để trả nợ đọng.

Ngoài ra, kiểm toán tại một số địa phương còn phát hiện không ít trường hợp nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn và phát sinh nợ đọng mới trong năm 2021. Thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm; đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm theo quy định.

Có nên sử dụng nguồn vượt thu từ đất đai, nguồn vốn giải ngân không hết để giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản?

Theo TS. Hà Thị Mỹ Dung, hằng năm, các chỉ thị của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán đều quy định, bố trí dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn đều quy định thứ tự ưu tiên khi bố trí vốn đầu tư hàng năm, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm… Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu sau khi đã bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn vượt thu từ đất là tương đối lớn (năm 2016 vượt 99% dự toán, năm 2017 vượt 96%, năm 2018 vượt 82%, năm 2019 vượt 70%, quyết toán thu năm 2020 vượt 80% dự toán), Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới chú trọng hơn trong công tác lập dự báo và lập dự toán thu sát khả năng thực hiện để xác định đúng nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án ngay từ khâu dự toán theo đúng thứ tự ưu tiên về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả tăng thu tiền sử dụng đất) đang được thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo Luật Ngân sách nhà nước, bao gồm: Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi; bổ sung quỹ dự trữ tài chính; bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương... 

Do đó, việc ưu tiên sử dụng nguồn vượt thu từ đất đai để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là một giải pháp Chính phủ có thể nghiên cứu để đề xuất cơ chế thực hiện trong thời gian tới nhằm xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản hằng năm.

Đối với kế hoạch vốn đầu tư hàng năm giải ngân không hết, về nguyên tắc quản lý điều hành trong năm phải kịp thời điều chỉnh, cắt giảm điều hòa kế hoạch vốn từ dự án không giải ngân được sang các dự án giải ngân tốt, bao gồm cả việc thanh toán dự án nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Trường hợp kế hoạch vốn hết năm không giải ngân sẽ phải xử lý theo quy định Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước (kéo dài theo quy định hoặc hủy kế hoạch vốn), TS. Hà Thị Mỹ Dung nói./.