In bài viết

Phải làm "mềm" giá nhà để người lao động dễ tiếp cận

13:39 - 02/08/2022

(Chinhphu.vn) – Bộ LĐ-TBXH kiến nghị với Chính phủ tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn.

Phải làm "mềm" giá nhà để để người lao động dễ tiếp cận - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi kiến nghị với Chính phủ tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi: Nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội.

Hội nghị về vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm nay, chúng tôi thấy là cần thiết, nên kiến nghị với Thủ tướng cần duy trì việc này hằng năm.

So với nhu cầu thực tiễn thì số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu và còn nhiều tồn tại bất cập, đặc biệt là qua ứng phó với đại dịch COVID-19 và so với nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH thấy đây là vấn đề cấp bách và cần có nhiều giải pháp để tiếp tục giải quyết vấn đề và đặc biệt là nổi lên vấn đề công nhân lao động đang làm thuê, ở trọ nhiều, diện tích, điều kiện sống chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng.

Nhà ở của hộ nghèo chưa đạt tiêu chuẩn sống và nhà thuê, nhà trọ ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất; giá ở thuê, ở trọ cao so với thu nhập của người lao động.

Rà soát, tính toán lại mục tiêu phát triển nhà ở xã hội

Về quan điểm, mục tiêu mà đến năm 2025, 2030, Bộ LĐTBXH đề nghị Bộ Xây dựng nên rà soát và tính toán lại, tung ra thị trường đến năm 2025 dự kiến trong mục tiêu, kể cả đã và sẽ khởi công mới, khoảng 450.000 căn hộ; đến năm 2030 dự kiến là 1 triệu căn nhà ở xã hội là chưa phù hợp nhu cầu bởi vì riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 3,4 triệu lao động.

Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu ở nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác.

Riêng TPHCM, như đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng vào kiểm tra trong phòng chống đại dịch là đã có 780.000 căn hộ cho thuê chưa đạt tiêu chuẩn. 

Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thiếu chi tiết, thiếu mục tiêu ưu tiên cụ thể về nhà xã hội cho các nhóm công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có công với cách mạng.

Cần bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho lao động ở hơn 300 khu công nghiệp

Về giải pháp, Bộ LĐTBXH đề nghị nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua.

Địa phương bố trí đất đai; các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề và cần thiết Nhà nước hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được 1 triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn nữa.

Bộ LĐTBXH kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; tiếp tục cải cách hành chính; giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn.

Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.