In bài viết

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DỮ LIỆU

10:23 - 15/01/2025

(Chinhphu.vn) - Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (Luật số 60/2024/QH15).

Luật Dữ liệu năm 2024 có 05 chương, 46 điều, cụ thể như sau:

- Chương I (Những quy định chung) gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10), quy định về

Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Dữ liệu; nguyên tắc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; chính sách của nhà nước về dữ liệu; hợp tác quốc tế về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; xây dựng, phát triển dữ liệu trong các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm.

Theo đó, Luật Dữ liệu quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý nhà nước về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động dữ liệu số tại Việt Nam.

Luật Dữ liệu đã quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về dữ liệu, bảo đảm thống nhất về cách hiểu, thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành, gồm: Dữ liệu số; dữ liệu dùng chung; dữ liệu dùng riêng; dữ liệu mở; dữ liệu gốc; dữ liệu quan trọng; dữ liệu cốt lõi; xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; chủ thể dữ liệu; chủ quản dữ liệu; chủ sở hữu dữ liệu; quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu; mã hoá dữ liệu; giải mã dữ liệu; điều phối dữ liệu.

Bên cạnh đó, Luật Dữ liệu là Luật mới và được xác định là đạo luật gốc, quy định, điều chỉnh toàn diện đối với các hoạt động liên quan đến dữ liệu. Vì vậy, Luật đã quy định một Điều về áp dụng Luật Dữ liệu để bảo đảm thống nhất với quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tương đồng với quy định tại các luật khác như Điều 4 Luật Thủ đô, Điều 3 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Điều 4 Luật Phòng thủ dân sự...

Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về dữ liệu, Luật Dữ liệu cũng quy định rất cụ thể về một số nội dung như: Nguyên tắc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; chính sách của nhà nước về dữ liệu; hợp tác quốc tế về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; xây dựng, phát triển dữ liệu trong các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm.

Luật quy định dữ liệu là tài nguyên, nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực để làm giàu dữ liệu, phát triển dữ liệu trở thành tài sản; quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu là quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự.

Đối với công tác quản lý nhà nước về dữ liệu, Luật quy định:

(1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dữ liệu;

(2) Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu, trừ phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;

(3) Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu thuộc phạm vi quản lý; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu cơ yếu thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về cơ yếu;

(4) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu; phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu;

(5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu; thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu tại địa phương.

Chương II (Xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia) gồm 19 điều (từ Điều 11 đến Điều 29), quy định về

Thu thập, tạo lập dữ liệu; bảo đảm chất lượng dữ liệu; phân loại dữ liệu; hoạt động lưu trữ dữ liệu; quản trị, quản lý dữ liệu; truy cập, truy xuất dữ liệu; kết nối, chia sẻ, điều phối dữ liệu; cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước; phân tích, tổng hợp dữ liệu; xác nhận, xác thực dữ liệu; công khai dữ liệu; mã hóa, giải mã dữ liệu; chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; các hoạt động khác trong xử lý dữ liệu; bảo vệ dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.

1. Luật Dữ liệu đã quy định những nội dung cơ bản cần tuân thủ trong quá trình xử lý dữ liệu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân (bao gồm hơn 20 hoạt động cụ thể); việc quản trị, xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu trong quản lý, phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu đang là xu thế phát triển trên thế giới hiện nay, Luật đã quy định về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu.

2. Luật quy định về việc cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước

Luật Dữ liệu quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, trong các trường hợp ứng phó với tình trạng khẩn cấp; khi có nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; thảm họa; phòng, chống bạo loạn, khủng bố thì tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý.

Đây là quy định cần thiết để quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, vận hành, kết nối, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; quy định việc tận dụng dữ liệu của các doanh nghiệp, cá nhân để xử lý kịp thời các trường nêu trên.

Đối với cơ quan nhà nước nhận được dữ liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp có trách nhiệm:

(1) Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;

(2) Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, lợi ích hợp pháp khác của chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật;

(3) Hủy dữ liệu ngay khi dữ liệu đó không còn cần thiết cho mục đích đã yêu cầu và thông báo cho chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân đã cung cấp dữ liệu;

4) Thông báo việc lưu trữ, sử dụng dữ liệu khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu, trừ trường hợp bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác.

3. Luật quy định về chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới

Hiện nay việc mua bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến; không chỉ mang tính đơn lẻ mà còn có tính chuyên nghiệp, thường xuyên, trở thành "dịch vụ", kênh kinh doanh; bao gồm đối với cả dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân; trong đó có cả hoạt động chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tới an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội; nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định hạn chế, kiểm soát việc chuyển các dữ liệu này ra nước ngoài, nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng để bảo đảm an ninh tài nguyên dữ liệu như quy định của Trung Quốc, Mỹ, Nga.

Vì vậy, bên cạnh quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật thì Luật Dữ liệu cũng đã quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới đối với dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới với các yêu cầu, điều kiện và trình tự, thủ tục cụ thể để bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Luật Dữ liệu quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu nói riêng còn rất hạn chế, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu (như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối…); trong khi đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.

Do vậy, để thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ cao liên quan đến xử lý dữ liệu; hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, phát triển dữ liệu… Luật Dữ liệu đã quy định quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.

- Chương III (Xây dựng, phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia) gồm 09 điều (từ Điều 30 đến Điều 38), quy định về: 

Cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia; trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; phí khai thác, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý.

1. Luật Dữ liệu quy định cụ thể về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm: Cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia; trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Theo đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành đảm bảo thống nhất, ổn định, bền vững. Trung tâm dữ liệu quốc gia tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật và cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia phải sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình do Chính phủ quy định; các cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác thì không bắt buộc phải sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia nhưng nếu có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quản lý, quản trị, xử lý dữ liệu thì sẽ thực hiện trên cơ sở thống nhất với Trung tâm dữ liệu quốc gia và Chính phủ cũng sẽ quy định chi tiết về trình thự, thủ tục thực hiện nội dung này.

Đồng thời, Trung tâm dữ liệu quốc gia có trách nhiệm:

(1) giám sát việc bảo đảm chất lượng dữ liệu, hoạt động điều phối dữ liệu; xây dựng các hệ thống chỉ số đo lường và đánh giá hiệu suất cho hoạt động quản trị dữ liệu;

(2) thực hiện biện pháp bảo vệ dữ liệu;

(3) nghiên cứu khoa học về dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu, cung cấp hạ tầng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong xử lý dữ liệu; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo về khoa học dữ liệu; phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo về khoa học dữ liệu; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về khoa học và công nghệ trên nền tảng dữ liệu của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia;

(4) Tổ chức thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế về dữ liệu.

2. Một trong những nội dung quan trọng của Luật Dữ liệu là quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được xây dựng phục vụ việc khai thác, sử dụng chung đáp ứng hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, bao gồm:

(1) dữ liệu mở;

(2) dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước;

(3) dữ liệu dùng riêng của cơ quan nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

(4) dữ liệu của cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi được chủ sở hữu dữ liệu đồng ý;

(5) dữ liệu khác do tổ chức, cá nhân cung cấp.

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tác động đến tất cả các thủ tục hành chính hiện có theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ như:

Một là, về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống: Thay vì hệ thống của một bộ, ngành, địa phương phải kết nối với các hệ thống của các bộ, ngành khác và hệ thống thông tin các địa phương thì chỉ cần kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia. Do đó sẽ giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu từ bộ, ngành, địa phương với các hệ thống thông tin khác; bảo đảm việc xử lý dữ liệu trong việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn.

Hai là, cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (khi một dữ liệu được thay đổi bởi cơ quan chủ quản dữ liệu thì sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đồng bộ tự động đến các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, từ đó giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính để điều chỉnh thông tin theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước).

Ba là, cắt giảm giấy tờ, tài liệu có trong thủ tục hành chính: Đối với trường hợp giấy tờ, tài liệu được quy định phải có trong thủ tục hành chính đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì công dân không cần phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, không cần phải kê khai nhiều thông tin như trước.

Bốn là, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như giảm thủ tục, quy trình liên quan đến phân loại, điều tra thống kê, báo cáo thống kê; phân tích, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, quy hoạch… và nhiều thủ tục hành chính nội bộ khác trong cơ quan nhà nước.

- Chương IV (Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu) gồm 05 điều (từ Điều 39 đến Điều 43), quy định về:

Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; sàn dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn dữ liệu.

1. Luật Dữ liệu quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết để quản lý đối với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Việc quản lý, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới về dữ liệu sẽ góp phần thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.

2. Luật Dữ liệu cũng quy định những nội dung cơ bản của sàn dữ liệu, các nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định tại Nghị định. Theo đó, sàn dữ liệu là nền tảng cung cấp tài nguyên liên quan đến dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; là môi trường để giao dịch, trao đổi dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Tuy nhiên, Luật cũng quy định rõ các loại dữ liệu không được phép giao dịch gồm: (1) Dữ liệu gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu; (2) dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (3) dữ liệu khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.

3. Ngoài ra, Luật cũng quy định các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn dữ liệu phải có trách nhiệm: (1) Cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ; (2) bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng dịch vụ thông suốt, liên tục; (3) thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn dữ liệu, bảo mật dữ liệu thường xuyên; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro dữ liệu; giám sát hành vi có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ dữ liệu; (4) tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng, pháp luật về giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này để bảo đảm hiệu quả triển khai thi hành.

- Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 03 điều (Điều 44 đến Điều 46), quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về dữ liệu nói riêng, Luật Dữ liệu đã quy định sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 về Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí để bổ sung (1) Phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; (2) Phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Ngoài ra, Luật cũng quy định nội dung chuyển tiếp đối với Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia đã đầu tư xây dựng hoặc thuê dịch vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu trước ngày Luật có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng hệ thống, thiết bị đã đầu tư hoặc thuê dịch vụ cho đến khi Trung tâm dữ liệu quốc gia đủ điều kiện tiếp nhận, cung cấp cơ sở hạ tầng cho cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của Luật Dữ liệu và Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định lộ trình thực hiện việc tiếp nhận, chuyển đổi, sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia đối với cơ sở dữ liệu quốc gia này.