In bài viết

Những lưu ý khi Luật sửa đổi một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh có hiệu lực

15:58 - 31/07/2023

(Chinhphu.vn) - Luật 23/2023/QH15 ngày 25/6/2023 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 15/8/2023.

Theo đó, giấy tờ xuất nhập cảnh đã cấp cho công dân trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ đó.

Trường hợp công dân đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 để giải quyết.

 Trường hợp người nước ngoài đã được cấp thị thực điện tử hoặc nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực hoặc đề nghị cấp thị thực điện tử nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14.

Bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh

Luật Luật 23/2023/QH15 gồm 3 điều. Điều 1 sửa đổi 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 gồm các nội dung cơ bản:

- Bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh.

- Quy định hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

Luật bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh để tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh.

Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày

Điều 2 của Luật Sửa đổi 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 với các nội dung cơ bản:

- Nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để đảm bảo thống nhất;

- Nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. 

- Bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú trong việc thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài.

- Sửa đổi quy định về hình thức khai báo tạm trú.

- Bổ sung quy định người nước ngoài có trách nhiệm xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định…