In bài viết

Những điều cần biết về BỆNH SỞI

18:35 - 29/11/2024

(Chinhphu.vn) - Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan mạnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể xuất hiện biến chứng thậm chí là tử vong.

Tăng cường thu dung, điều trị, kiểm soát lây nhiễm sởi

Ngày 29/11, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, như tại TP HCM, Ủy ban nhân dân Thành phố đã công bố dịch Sởi trên địa bàn (theo Quyết định số 3547/QĐ-UBND ngày 27/8/2024 của UBND TP HCM), số người bệnh sởi đến khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh tăng nhanh, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện Nhi, bệnh viện Sản-Nhi, bệnh viện Bệnh truyền nhiễm/bệnh nhiệt đới…

Thực hiện Công điện số 116/TTg ngày 14/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y về việc tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người bệnh, người nhà, nhân viên… về phòng, chống bệnh sởi: như tình hình bệnh dịch hiện nay, dấu hiệu, triệu chứng, phòng lây nhiễm...

Tổ chức phân luồng người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Bố trí khu khám riêng cho người bệnh sởi hoặc người nghi mắc sởi.

Đồng thời, tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành.

Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh; Thực hiện tốt việc phân loại, thu dung, cách ly, điều trị theo quy định nhằm hạn chế lây lan, tử vong.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị trên phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám chữa bệnh và công tác dự phòng. 

Thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Số ca nghi sởi tăng đột biến

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TPHCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi. 

Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bệnh sởi tại địa phương nghiêm trọng. Trong tháng 9 có 20 ca, tháng 11 đã tăng lên 102 ca. Nhiều đối tượng cộng đồng chưa tiêm vaccine sởi.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 1/9-19/11/2024 đã ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

Những điều cần biết về BỆNH SỞI- Ảnh 1.

Bệnh sởi là bệnh gì?

Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh với triệu chứng phổ biến là những vết phát ban trên da kèm theo sốt, đỏ mắt, chảy nước mũi,...

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc người lớn chưa được tiêm phòng hoặc có tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ., hay gặp trong màu đông xuân. 

Tuy ít có nguy cơ gây tử vong nhưng sởi là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, viêm não sau khi mắc sởi, khô giác mạc, loét giác mạc,...

Tác nhân gây bệnh sởi là một loại virus RNA sợi đơn thuộc chi Morbillivirus và họ Paramyxoviridae. Virus sởi có khả năng chịu đựng kém, các thuốc khử trùng thông thường có thể diệt được virus một cách dễ dàng. Con đường lây bệnh gồm:

- Lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc khi bệnh nhân hắt hơi, ho,...

- Do virus sởi dễ bị diệt trong môi trường ngoại cảnh do đó lây lan gián tiếp thường ít gặp.

Những điều cần biết về BỆNH SỞI- Ảnh 3.

Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi

Dấu hiệu và triệu chứng khi bị bệnh sởi ở người lớn và trẻ em

Việc nhận biết, phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng khi bị sởi góp phần lớn vào hiệu quả điều trị bệnh, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng cho người bệnh.

Thể điển hình

- Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 7 đến 21 ngày, trung bình là 10 ngày.

- Giai đoạn khởi phát (còn được gọi là giai đoạn viêm long) diễn ra trong vòng từ 2 đến 4 ngày. Lúc này, người bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp trên, một số trường hợp có thể xuất hiện viêm thanh quản cấp, trên bề mặt niêm mạc má thấy xuất hiện các quầng ban đỏ.

- Giai đoạn toàn phát thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Thông thường, sau khi sốt khoảng 3 đến 4 ngày thì người bệnh bắt đầu có các dấu hiệu phát ban xuất hiện ở các khu vực trên mặt, trên trán, sau gáy, sau tai và lan dần xuống cổ, xuống chân, các nốt phát ban này có đặc điểm là khi căng da thì sẽ biến mất, người bệnh đỡ sốt khi bước vào giai đoạn này.

- Giai đoạn hồi phục: Các nốt phát ban bắt đầu nhạt dần, bong vảy. Trường hợp bệnh nhân không xuất hiện biến chứng nào thì bệnh sẽ tự khỏi. Một số bệnh nhân có thể bị ho khoảng 1-2 tuần sau khi hết phát ban.

Những điều cần biết về BỆNH SỞI- Ảnh 4.

Thể không điển hình

Dưới đây là các dấu hiệu của thể không điển hình mà bạn đọc cần nắm được để phát hiện bệnh sớm, có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp bao gồm:

- Sốt nhẹ thoáng qua.

- Toàn trạng được đánh giá tốt.

- Người bệnh phát ban ít, viêm long nhẹ.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường nhẹ, không điển hình do đó người bệnh thường bỏ qua, dẫn đến tình trạng lây lan bệnh mà không hay biết.

Một số trường hợp có thể gặp tình trạng sốt cao liên tục, có dấu hiệu phát ban nhưng không điển hình kết hợp với tình trạng đau nhức mỏi người, tứ chi có dấu hiệu phù nề kèm theo tình trạng viêm phổi nặng.

Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là những đối tượng nhạy cảm, do đó, cha mẹ cần cho trẻ đi khám kịp thời khi có dấu hiệu gồm thở nhanh, mất nước, khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy, đau mắt, mắt có gỉ, sốt kéo dài, loét miệng,...

Biến chứng

Virus sởi có thể gây ra bệnh sởi tiến triển nặng hoặc các biến chứng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. 

Ở trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc trẻ bị thiếu vitamin A là những đối tượng dễ xảy ra nguy cơ này. Hầu hết trẻ nhỏ bị tử vong là do biến chứng của sởi.

Viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm não cấp tính, viêm cơ tim là những biến chứng gây ra bởi virus sởi.

Viêm phổi, viêm dạ dày ruột, viêm tai giữa là những biến chứng có thể xảy ra do bội nhiễm.

Điều trị bệnh sởi tại nhà

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, cách chữa bệnh sởi hiện nay đều tập trung vào triệu chứng của người bệnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng và kết hợp với đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm.

Trường hợp trẻ sốt cao, liên tục, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng chỉ định, liều lượng khuyến cáo của bác sĩ, dược sĩ.

Vệ sinh, giữ sạch sẽ khu vực người bệnh cách ly để tránh tình trạng lây nhiễm.

Hạn chế cho người bệnh tiếp xúc với người khác.

Xây dựng thực đơn hợp lý, giàu dinh dưỡng, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do đó cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của con. 

Nếu như các triệu chứng không giảm nhẹ mà có dấu hiệu nặng hơn thì cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh sởi

Những điều cần biết về BỆNH SỞI- Ảnh 5.

Hiện nay, phương pháp phòng bệnh an toàn và có độ hiệu quả cao là tiêm vắc xin. Tiến hành tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia. Mũi đầu tiên bắt buộc tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi. 

Các đối tượng khác tiến hành tiêm vắc xin sởi theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc:

- Tiến hành cách ly người bệnh tại nhà hoặc tại các cơ sở theo nguyên tắc.

- Cho bệnh nhân, người chăm sóc, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần với bệnh nhân sử dụng khẩu trang phẫu thuật.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh khi không cần thiết.

- Thời gian cách ly bắt đầu từ lúc nghi ngờ mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu bị phát ban.

- Rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

- Virus sởi lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh do đó cần vệ sinh, sát trùng mũi họng thường xuyên để tránh lây nhiễm.

- Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân nên cần giữ ấm cơ thể.

- Xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, nâng cao thể trạng.

Triệu chứng của bệnh sởi

Virus sởi thường xâm nhập vào cơ thể của người bệnh thông qua các đường mũi, họng và cả đường mắt. Loại virus này sẽ được nhân lên ở hệ bạch huyết nơi xâm nhập và tại tế bào đường hô hấp trên, sau đó đi qua máu và phát bệnh.

Giai đoạn ủ bệnh: 7-21 ngày, trung bình 10 ngày.

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): 2-4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Thông thường bệnh sởi sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 8 – 11 ngày.

Nếu mắc sởi khi nào thì khỏi?

Thông thường bệnh sởi sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 8 – 11 ngày và khỏi bệnh chỉ sau tối thiểu 6 ngày khởi phát bệnh.

Tuy vậy, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.

Ở thể thông thường, cơ thể bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu cơ bản: Sốt, nổi hạch, phát ban ngoài da và niêm mạc. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ sốt nhẹ khoảng trên 37 độ và kèm phát ban. Một số bệnh nhân bị phát ban dạng nốt xuất huyết thì thường có ở niêm mạc vòm miệng, niêm mạc mắt hay niêm mạc mũi.

Ở thể biến chứng: Thường thể này xuất hiện ở nam giới nhiều hơn.

Biến chứng viêm đa khớp thường xảy ra vào ngày thứ 2 vì thế rất dễ nhầm với đợt thấp khớp dạng thấp nhưng chúng tự khỏi sau từ 15 – 30 ngày và không để lại di chứng.

Biến chứng tử ban: Dấu hiệu cơ bản là cơ thể xuất hiện các nốt xuất huyết ở dưới da rồi để lại các vết thâm do hạ tiểu cầu. Thường trường hợp biến chứng này không dễ gặp. Bệnh sẽ tự khỏi sau từ 2 – 4 tuần.

Biến chứng viêm não: Biến chứng này cũng rất hiếm gặp, bệnh sởi biến chứng viêm não thường xảy ra từ 2 – 4 ngày sau khi cơ thể nổi ban.

Biến chứng viêm phổi: Biến chứng hay gặp với các bệnh nhân mắc bệnh sởi, trẻ xuất hiện những triệu chứng ho, khò khè, khó thở, suy hô hấp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tình trạng người bệnh rất nặng nề.

Biến chứng viêm kết mạc mắt: Bệnh nhân mắc sởi sẽ có triệu chứng phát ban toàn thân, kết mạc mắt đỏ, biến chứng viêm kết mạc là 1 trong những biến chứng nguy hiểm, có khả năng gây hỏng giác mạc, kết mạc của bệnh nhân, làm giảm thị lực hoặc thậm chí gây mù lòa. 

Lời khuyên phòng chống sởi

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

Chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. 

Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. 

Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.

Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.

Cần nghỉ làm, nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. 

Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Theo Sức khỏe và Đời sống