PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, quy định trước đây nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Với dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT nhận thấy không cần thiết đưa vào nữa, hoặc phải điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng, phù hợp.
Ví dụ, ở cấp tiểu học, dự thảo đã nêu nguyên tắc: “Đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không tổ chức dạy thêm, học thêm”. Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 đang thiết kế bắt buộc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày đương nhiên không dạy thêm, học thêm trong trường. Như vậy, đảm bảo sự công bằng giữa tiểu học và THCS, THPT.
Điều thứ hai, qua thời gian dài theo dõi việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tôi thấy có một vấn đề nữa cần giải quyết, đó là: bản thân việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có tình trạng không mạch lạc, thậm chí gây ra sự phân biệt giữa “môn chính, môn phụ”, giữa giáo viên này với giáo viên kia…
Vì vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh.
Cụ thể, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định rõ phải bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn: Muốn dạy thêm môn nào, lý do vì sao phải dạy thêm? Mục tiêu dạy thêm là gì? Để đạt mục tiêu đó thì nội dung dạy thêm là gì, thời lượng là bao nhiêu? Danh sách cụ thể giáo viên đăng ký dạy thêm?
Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Quy định về số tiết/tuần như trên đã được thực hiện từ năm 2010 theo Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/11/2010 hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Cụ thể, những trường dạy học 2 buổi/ngày, đối với cấp THCS, buổi sáng dạy không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày; đối với cấp THPT, buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày. Tổng thời lượng dạy học trong nhà trường, tính cả dạy thêm, học thêm trong dự thảo cũng không được vượt quá số tiết tại quy định này.
Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (cơ sở dạy thêm) phải làm hai việc
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, đối với dạy học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (cơ sở dạy thêm) phải làm hai việc. Trước hết là phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (đây không phải quy định của Bộ GD&ĐT mà là quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh).
Thứ hai, cơ sở dạy thêm phải công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Việc công khai là để toàn dân cùng giám sát.
Quy định giáo viên trường công lập không được “tổ chức” dạy thêm, học thêm vẫn giữ nguyên, đúng với quy định chung về việc viên chức thì không được tổ chức kinh doanh; nhưng thầy cô vẫn được “tham gia” dạy thêm.
Thứ nhất, phải báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm.
Thứ hai, trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Những báo cáo này để Hiệu trưởng nhà trường có thông tin và lưu hồ sơ, trường hợp giáo viên vi phạm sẽ có minh chứng xử lý.
"Quy định này cũng giống như quy định không được vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Nhưng để kiểm soát việc này không thể là Bộ trưởng Bộ Giao thông mà phải là cảnh sát giao thông.
Với ngành Giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục ở các địa phương thực chất phải đóng vai trò người giám sát, quản lý, bắt đầu từ trường, đến phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Nếu có vi phạm do nhà trường phát hiện, hoặc phản ánh từ nhân dân thì sẽ có minh chứng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; bảo đảm giảm thiểu các tiêu cực trong dạy thêm, học thêm". PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.