In bài viết

Nhiều điểm mới về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải tổ chức đấu thầu

12:00 - 06/03/2024

(Chinhphu.vn) - Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó có những điểm mới.

Xác định rõ loại dự án đầu tư kinh doanh phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực

Nghị định quy định 15 lĩnh vực, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực gồm giao thông vận tải, cấp nước, kinh doanh đặt cược, nhà ở, xã hội hóa y tế, giáo dục...

Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định phải đáp ứng 02 điều kiện:

- Thuộc trường hợp thu hồi đất; trường hợp trong khu đất thực hiện dự án có phần đất do Nhà nước quản lý thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với toàn bộ diện tích dự án (bao gồm cả diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc phạm vi dự án).

- Không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, không thuộc diện đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, để bảo đảm bao quát được toàn bộ dự án thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (27/2/2024), tránh khoảng trống pháp luật trong quy định về lựa chọn nhà đầu tư, thì việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định này; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu và các nội dung khác (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

 Quy định trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai

Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ bước công bố dự án, tổ chức đấu thầu đến giai đoạn ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện dự án.

Theo đó, thủ tục công bố dự án được thực hiện đồng bộ với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. 

Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được quy định chi tiết theo các hình thức đấu thầu, gồm: hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và hai túi hồ sơ; hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, bảo đảm việc áp dụng cho từng dự án cụ thể.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định biện pháp thi hành đối với thủ tục triển khai dự án đầu tư kinh doanh sau khi ký kết hợp đồng, gồm thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư trúng thầu và thủ tục giao đất, cho thuê đất, bảo đảm đồng bộ với pháp luật về đất đai. Về nội dung này, Nghị định quy định chặt chẽ theo hướng nhà đầu tư trúng thầu được thành lập doanh nghiệp để quản lý dự án hoặc trực tiếp thực hiện dự án. 

Doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập phải do nhà đầu tư trúng thầu góp 100% vốn để thành lập, được kế thừa quyền và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà nhà đầu tư trúng thầu đã cam kết tại hợp đồng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong trường hợp phát sinh thu nhập.

 Quy định phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp với từng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh

Theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được đánh giá theo phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, thông qua các tiêu chuẩn về (i) năng lực, kinh nghiệm; (ii) phương án đầu tư kinh doanh và (iii) hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn, tiêu chí và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

Nghị định quy định các tiêu chuẩn chi tiết và tiêu chí cụ thể áp dụng đối với từng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh. 

Ngoài ra, Nghị định giao Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành tổ chức rà soát đánh giá việc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực và việc triển khai hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, bảo đảm phù hợp với điều kiện lựa chọn nhà đầu tư của từng ngành, lĩnh vực.