In bài viết

Những cán bộ lãnh đạo, quản lý nào được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài?

17:33 - 13/10/2022

(Chinhphu.vn) - Quyết định số 02-QĐ/BCĐ của Bộ Chính trị về bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước quy định cụ thể đối tượng bồi dưỡng.

Những cán bộ lãnh đạo, quản lý nào được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài? - Ảnh 1.

Đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ được cử đi bồi dưỡng.

Công tác bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, gắn với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ được cử đi bồi dưỡng; bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức bồi dưỡng; bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của cán bộ được cử đi bồi dưỡng.

Theo đó, đối tượng được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn (khoảng 02 tuần) gồm:

+ Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục và tương đương; lãnh đạo cấp cục, vụ và tương đương của các ban, bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;

+ Ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương.

Đối tượng được cử đi bồi dưỡng trung hạn (khoảng 03 tháng) gồm:

+ Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục và tương đương; lãnh đạo cấp cục, vụ và tương đương của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương;

+ Ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên ở địa phương.

Đối tượng được cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ (khoảng 04 tháng trong nước và 04 tháng ở nước ngoài): 

Là cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên sử dụng ngoại ngữ trong công việc, liên quan đến một trong các lĩnh vực sau: đối ngoại, ngoại vụ; hợp tác quốc tế, an ninh quốc phòng; đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, quản lý dự án với nước ngoài, hợp tác lao động với nước ngoài; thông tin, tuyên truyền, truyền thông đối ngoại; nghiên cứu giảng dạy tại các trường chính trị, trường cao đẳng, đại học, học viện, viện hàn lâm; công việc liên quan đến yếu tố nước ngoài tại các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.