In bài viết

Nghiên cứu về giới hạn độ tuổi Công chứng viên

16:42 - 15/02/2024

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế,

Chính phủ ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024.

Trong đó, về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Chính phủ cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật với các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xã hội hóa hoạt động công chứng;

- Bám sát và thể hiện rõ 05 Chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022;

- Kế thừa những quy định của Luật Công chứng năm 2024 đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; bổ sung các quy định để xử lý bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Công chứng hiện hành; làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, có luận giải trên cơ sở, chứng cứ khoa học của các nội dung sửa đổi, bổ sung;

- Rà soát, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các Luật liên quan nhiều đến hoạt động công chứng như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở...; bảo đảm tính khả thi, hiệu lực của các quy định trong dự thảo Luật, Ngôn ngữ trình bày tại dự thảo Luật phải trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc công chứng các giao dịch dân sự;

- Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đối với phân bổ nguồn lực; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các chủ thể khác khi thực hiện công chứng;

- Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ về mô hình công chứng, quy trình công chứng của các nước tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam;

- Thực hiện tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, hoàn thiện dự thảo Luật.

Rà soát các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên

Về các nội dung cụ thể, Chính phủ yêu cầu rà soát nội dung dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, quy định trong dự thảo Luật các vấn đề cụ thể đã được thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn; chỉ giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Bộ Tư pháp và các nội dung cần bảo đảm sự điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý nhà nước hoặc các vấn đề chưa có tính ổn định cao, cần tiếp tục điều chỉnh trong quá trình áp dụng pháp luật;

Rà soát các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên; bảo đảm tính hợp lý, nâng cao chất lượng công chứng viên. Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này. 

Rà soát quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên

Chính phủ thống nhất việc giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng theo hướng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm sự minh bạch, phòng chống tiêu cực, tăng cường phân cấp, phân quyền, vai trò của tổ chức - xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

Rà soát quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên tại dự thảo Luật, bảo đảm sự phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính của Đảng, Chính phủ.

Thống nhất tiếp tục quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc bổ nhiệm Công chứng viên, tuy nhiên cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Tư pháp) trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan; không phát sinh thủ tục hành chính mới; các thủ tục hành chính phải bảo đảm sự minh bạch, tính liên tục, hợp lý khi thực hiện.

Bộ Tư pháp giữ vai trò xây dựng chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; không bổ sung các nội dung chưa thật rõ, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm và chưa có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc.

Thống nhất việc duy trì 02 mô hình Phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập) và Văn phòng công chứng

Về tổ chức hành nghề công chứng, Chính phủ thống nhất việc duy trì 02 mô hình: Phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập) và Văn phòng công chứng. 

Tuy nhiên, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng trong lĩnh vực này, chỉ thành lập Phòng công chứng ở những địa bàn không có Văn phòng công chứng, bảo đảm số lượng và phân bổ hợp lý các Văn phòng công chứng tại từng địa bàn nhằm phục vụ hoạt động công chứng giao dịch của người dân, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý của các giao dịch dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Hành nghề công chứng là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật phải quy định rõ điều kiện thành lập Văn phòng công chứng, không quy định các nội dung, thủ tục mang tính “xin - cho”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này, nhưng phải bảo đảm nhu cầu quản lý nhà nước về hoạt động này với tính chất là ngành, nghề bổ trợ tư pháp; Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu quy định Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng, thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan về nội dung này.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khả năng áp dụng ở Việt Nam để quy định rõ các vấn đề phạm vi công chứng điện từ

 Về công chứng điện tử, Bộ Tư pháp rà soát, bảo đảm các quy định của dự thảo Luật phù hợp với Luật Giao dịch điện tử; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện công chứng; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khả năng áp dụng ở Việt Nam để quy định rõ các vấn đề phạm vi công chứng điện từ, trình tự, thủ tục công chứng điện tử, giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử…

Quy định trong dự thảo Luật các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội về công chứng điện tử; giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết các nội dung mang tính kỹ thuật, tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;

Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, Chính phủ thống nhất nguyên tắc “phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế” như chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Đề nghị xây dựng Luật. Bộ Tư pháp nghiên cứu, quy định rõ và tăng cường quyền, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giám sát hoạt động của Công chứng viên...

 Về các vấn đề khác, Bộ Tư pháp nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ và Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm chất lượng về nội dung, kỹ thuật soạn thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án Luật này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi).