In bài viết

Nghịch lý thị trường: 'Ăn theo xăng dầu', giá cả hàng hóa 'lên nhanh xuống chậm', cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều

13:50 - 03/08/2022

(Chinhphu.vn) - Nghịch lý thị trường hiện nay là hoạt động phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Vì vậy, nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ khó chấm dứt.

Giá cả xăng dầu chưa theo kịp diễn biến thị trường thế giới

Trong thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa hết lo lắng khi một số mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng nghịch lý giá cả nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố chủ quan là chính.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện giá cả xăng dầu trong nước chưa vận hành theo kịp diễn biến thị trường thế giới. 

Thị trường xăng dầu vẫn phụ thuộc vào số ít đầu mối, chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.

Đánh giá cao về quyết định giảm thuế môi trường để giảm giá xăng dầu của Quốc hội, Chính phủ nhưng ông Vũ Vinh Phúc cho rằng đây chỉ là giải pháp cấp bách, ngắn hạn và về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn.

Phân phối không công bằng, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều

Bên cạnh đó, ông Vũ Vinh Phú cũng nêu nghịch lý thị trường hiện nay là hoạt động phân phối không công bằng.

Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.

Vì vậy, nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ khó chấm dứt.

Nhà nước cần làm tốt hơn nữa vai trò trọng tài để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và lợi ích của người tiêu dùng

Ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: "Nền kinh tế thị trường của Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước.

Do đó, không thể lấy lý do để thị trường quyết định mọi thứ, cũng như không để các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị lớn gây ảnh hưởng không lành mạnh.

Các cơ quan quản lý của Nhà nước, trong đó có các đơn vị như quản lý thị trường, cần làm tốt hơn nữa vai trò trọng tài để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như lợi ích của người tiêu dùng".