Phát biểu tại Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trước diễn biến của đại dịch COVID-19, với “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế và trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời, kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP cho thấy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, cơ quan quản lý nhà nước cũng ban hành các công điện, công văn chỉ đạo, hướng dẫn chung đối với các địa phương. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan lĩnh vực BHXH; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các địa phương. Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp về chính sách, lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động.
Nhờ đó, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36,4 triệu lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45,6 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), trong quá trình thực hiện chính sách này, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã giao BHXH Việt Nam thực hiện 2/12 chính sách và hướng dẫn xác nhận các thủ tục để người lao động và chủ sử dụng lao động được thụ hưởng 6/12 chính sách. BHXH Việt Nam đã thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực, tổ giúp việc và ban hành ngay 4 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức hội nghị trực tuyến đến hơn 5.000 điểm cầu BHXH huyện, tỉnh trên cả nước.
Đáng chú ý, nhờ có sẵn lợi thế về cơ sở dữ liệu nên các thủ tục thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam đã không phát sinh thêm bất cứ một thủ tục hành chính nào, thời hạn giải quyết đều quy định thực hiện trong một ngày làm việc. Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh các phương thức giao dịch điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, bổ sung 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của ngành và yêu cầu kê khai điện tử cung cấp trên phần mềm IVAN; cung cấp 5 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chỉ đạo BHXH các địa phương liên hệ với doanh nghiệp để triển khai các chính sách hỗ trợ và các thủ tục liên quan đến chức năng nhiệm vụ được giao.
“Tính đến hết 30/6/2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh xong giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 4.164 tỷ đồng; giải quyết cho 1.013 đơn vị với trên 207.000 người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 1.393 tỷ đồng tại 59 tỉnh, thành phố. Hoàn thành xác nhận xong 6 thủ tục để chủ sử dụng lao động và người lao động hưởng các chính sách hỗ trợ ở 74.577 đơn vị để hưởng các chính sách với trên 3.000.500 người lao động”, ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và chi trả hỗ trợ đào tạo lại nghề cho 8.780 người lao động với trên 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan BHXH chi trả đã phát sinh 20 đơn vị phải thu hồi sau đào tạo với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng và đã thu hồi hơn 3,78 tỷ đồng về quỹ. Nguyên nhân là do người lao động có tên trong danh sách nhưng không tham gia khóa học; đơn vị thực hiện không đúng phương án đào tạo được phê duyệt.
Xuân Thảo