In bài viết

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

18:55 - 20/05/2024

(Chinhphu.vn) - Thứ Hai, ngày 20/5, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 1.

Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7.

Vào 07 giờ 15 phút, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào 08 giờ 00 phút, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với 01 đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Vào 9 giờ 00 phút, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri theo dõi.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 2.

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong không khí cả nước hân hoan chào đón các ngày lễ lớn của đất nước và ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; căn cứ quy định của Hiến pháp, pháp luật và tình hình thực tiễn, sau quá trình chuẩn bị tích cực khẩn trương, kỹ lưỡng và trách nhiệm, hôm nay (20/5/2024) Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm tiếp tục thể chế các chủ trương, nghị quyết của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tham dự phiên khai mạc Kỳ họp, về phía khách mời và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban bộ ngành đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các vị đại biểu khách quý, các đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Về phía Quốc hội, có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: đồng chí Nguyễn Khắc Định, đồng chí Nguyễn Đức Hải, đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; các vị Đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự và đưa tin về Kỳ họp còn có các phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp. 

Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024; chia làm 02 đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 08/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 4.

Xem xét nội dung lập pháp lớn nhất tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay

Thứ nhất, về công tác lập pháp: Tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết, đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm nhiều của cử tri và Nhân dân cả nước. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để cho ý kiến về 08 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung đóng góp ý kiến toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật của dự thảo luật để bảo đảm chất lượng cao nhất khi được xem xét, thông qua tại kỳ họp. 

Đối với các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, những nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng; tính hợp lý, khả thi của các quy định để làm cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 5.

Đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra

Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác: Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách nhà nước. 

Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội…; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, khu vực để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 6.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác. 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, đóng góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao

Thứ ba, về giám sát tối cao: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. 

Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp xem xét, thảo luận cùng các nội dung liên quan.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 7.

Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh

Thứ tư, về công tác nhân sự: Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

Như vậy, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 7 là rất lớn; để Kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Với tinh thần đó, đồng chí Trần Thanh Mẫn tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 12.

Các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh VGP/Nhật Bắc

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 13.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 14.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 15.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 16.

Quốc hội tiến hành công tác nhân sự từ 20-22/5

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này được công luận quan tâm là công tác nhân sự. Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại họp báo về kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Điều 4, Hiến pháp quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một trong phương thức lãnh đạo của Đảng là cử hoặc giới thiệu cán bộ để bầu cử, ứng cử, quyết định bổ nhiệm vào các vị trí của cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội. 

Ngày 18/5, Hội nghị Trung ương 9, Khóa XIII đã thành công tốt đẹp, cơ quan báo chí đã thông tin kết quả Hội nghị. 

Theo đó, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Thông tin về dự kiến thiết kế chương trình đối với công tác nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, cuối giờ sáng 20/5, Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành và sáng 22/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự. 

Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó sẽ bầu Chủ tịch nước theo quy định.

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV 

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV- Ảnh 18.

Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024; Đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.

Quốc hội xem xét thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết

Về Công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm:

- Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);

- Luật Lưu trữ (sửa đổi);

- Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;

- Luật Đường bộ;

- Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

- Luật Thủ đô (sửa đổi);

- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp);

- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 03 dự thảo nghị quyết, bao gồm:

- Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An;

- Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;

- Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật

Về các Dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm:

- Luật Công chứng (sửa đổi);

- Luật Công đoàn (sửa đổi);

- Luật Di sản văn hóa (sửa đổi);

- Luật Địa chất và khoáng sản;

- Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);

- Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Luật Phòng không nhân dân;

- Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn;

- Luật Tư pháp người chưa thành niên;

- Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (thời gian 2,5 ngày).

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len.

Quốc hội xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền

Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền của Quốc hội; xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có).