Cụ thể, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, từ 8.40' đến 11.30' Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Nội dung chất vấn gồm:
Một là, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hai là, việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ba là, việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác.
Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cách thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2.
Tiếp đó, lãnh đạo Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 2.
Từ 14.40' đến 17.00, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Phát biểu tại phiên chất vấn, thay mặt toàn ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để giúp cho toàn ngành có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt, hôm nay được phép trực tiếp lắng nghe, trao đổi với các vị đại biểu Quốc hội về ba nhóm vấn đề lớn của ngành.
Một là việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hai là việc tiếp nhận, tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ba là việc quản lý các thuê bao đầu số của nhà mạng công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử. Việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân. ..
Theo Bộ trưởng, đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, toàn dân và toàn diện mà gọi là chuyển đổi số.
Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số; Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức sâu sắc vấn đề này nên đã có nhiều cố gắng trong những năm qua.
Tuy nhiên, có những việc đã làm được nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nhức nhối của xã hội, những vấn đề mới phát sinh; đồng thời luôn coi những tồn tại này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển.
Các vấn đề các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành, về vấn đề, những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới để tất cả chúng ta chung tay làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển bền vững, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ sẽ lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội, trả lời một cách có trách nhiệm nhất, hết khả năng của mình với tinh thần hết sức nghiêm túc và cầu thị. Có những vấn đề quản thiếu thông tin, thiếu hiểu biết thì xin phép Quốc hội được trả lời thêm bằng văn bản; có những vấn đề lớn, phức tạp, không thể trả lời ngay sẽ báo cáo chuyên đề với Quốc hội nhằm giải quyết triệt để hơn vấn đề đã được nêu ra vì rất có thể có vấn đề cần đến thẩm quyền của Quốc hội mới giải quyết được.
Đối với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ quan tâm đến việc phát triển chính quyền điện tử, Chính phủ số như thế nào và khai thác các dữ liệu quốc gia để có thể là vừa khai thác được dữ liệu quốc gia nhưng vẫn bảo mật được thông tin cá nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: "Đây là thách thức rất lớn đòi hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp cụ thể".
Đại biểu cho rằng, đối với việc phát triển Chính phủ điện tử hiện còn vướng mắc là hệ thống hạ tầng công nghệ.
Bên cạnh đó là vấn đề về tư duy, năng lực của con người trong khi ứng dụng công nghệ thông tin.
Bởi vì hiện nay, chúng ta có hiện tượng ở rất nhiều địa phương và các Bộ ngành có hạ tầng và được trang bị về công nghệ thông tin được trang bị đầy đủ nhưng năng lực của con người chưa thể vận dụng, ứng dụng các công nghệ hiện đại đó.
Trong báo cáo về kinh tế-xã hội năm 2022 của Chính phủ đã đề cập việc chúng ta chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030 cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng chuyển đổi số quyết liệt.
Tuy nhiên, trong số 15 chỉ tiêu đưa ra thì có 1 chỉ tiêu không đạt được là năng suất lao động xã hội của chúng ta còn rất thấp so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Trong khi tất cả những điều kiện cơ bản để nâng cao hiệu suất lao động đều đảm bảo thì tại sao năng suất lao động của Việt Nam lại không đạt được. Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) bày tỏ sự quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Nhà nước.
Đại biểu cũng quan tâm tới tiến độ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tạo sự thuận lợi nhất cho người dân khi tiếp cận với các dịch vụ công của các cơ quan công quyền.
Bên cạnh đó, là công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, nhất là việc đăng tải xuyên tạc, sai sự thật về Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) bày tỏ quan tâm đến việc phải có được những giải pháp về khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn để tận dụng cơ hội phát triển.
Cùng với đó là giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên môi trường mạng có ảnh hưởng xấu đến người dân, doanh nghiệp, tránh những xáo động trong đời sống, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, một vấn đề cần lưu tâm là phát triển môi trường kinh doanh qua mạng nhưng phải bảo đảm truy thu thuế một cách triệt để, xây dựng môi trường kinh doanh qua mạng hiệu quả, lành mạnh, minh bạch.
Từng nhiều lần đưa ra ý kiến về vấn đề phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước- vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, cần có các công cụ để đánh giá về sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước.
Đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh gây mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cũng còn thiếu tầm nhìn và thiếu quy hoạch, dẫn đến tình trạng trùng lặp, thiếu kết nối trong việc tổ chức các cơ sở dữ liệu.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây có xu hướng trong nhiều dự án luật có các quy định về xây dựng các cơ sở dữ liệu để phục vụ việc thực hiện các đạo luật này.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần có sự liên thông đồng bộ, để có thể dễ dàng tích hợp, đối chiếu, tránh trùng lặp về chức năng, về dữ liệu với các cơ sở dữ liệu đang tồn tại hoặc đang được xây dựng.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan Nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của Nhà nước và tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh trường hợp nhiều cơ quan Nhà nước cùng thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu; từ đó, vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa không gây phiền hà, mất thời gian đối với người dân và doanh nghiệp./.