In bài viết

Nâng cao tính minh bạch trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

07:51 - 21/06/2022

(Chinhphu.vn) - Đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thì quá trình soạn thảo văn bản pháp luật cần nâng cao tính minh bạch. Quy trình lấy ý kiến dự thảo cần được đổi mới theo hướng thân thiện với người dân hơn. Tiếp tục đổi mới quy trình tham vấn, lấy ý kiến theo hướng thực chất và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.

Nâng cao tính minh bạch trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật - Ảnh 1.

Quá trình soạn thảo văn bản pháp luật cần nâng cao tính minh bạch.

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được Nhà nước quan tâm, chú trọng, đã có nhiều bước tiến đổi mới và đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Hệ thống quy định pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ luôn xác định việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn vừa qua.

Từ năm 1998 đến nay, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung nhiều lần (2002, 2008, 2015, 2020) theo hướng ngày càng minh bạch và cởi mở hơn, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của Nhà nước ngày càng quan trọng và rõ nét hơn. Quy trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng được đổi mới, tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ, nâng cao trách nhiệm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian tới cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng chính sách và pháp luật

Trước hết, đó cần chú trọng thúc đẩy sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Với mức độ phối hợp còn nhiều hạn chế của các bộ, ngành, trong quy trình ban hành pháp luật hiện nay khi mỗi bộ ngành chủ trì một ngành luật riêng nên thời gian qua đã phát sinh tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật. Một dự án đầu tư kinh doanh sẽ chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Phòng cháy chữa cháy… Các luật này có các nghị định, thông tư hướng dẫn cùng các quy trình thủ tục hành chính. Nếu các quy định trong các hệ thống luật này không được rà soát kỹ lưỡng và hình thành được quy trình liên ngành triển khai phù hợp trên thực tế thì có thể tạo ra nhiều khó khăn cho nhà đầu tư và các cơ quan hành chính cấp cơ sở.

Việc xung đột, chồng chéo nếu không phòng ngừa của chính sách sẽ tác động lớn đến các dự án đầu tư, không rõ các trình tự để thực hiện các thủ tục, cái nào trước, cái nào sau, không rõ quan hệ của các luật chuyên ngành. Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.

Về nguyên tắc, thì luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước, nhưng trên thực tế, Bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình. Việc xử lý của cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán, cho nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.

Điều này có nguyên nhân từ thực tế các bộ chuyên ngành khi được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn. Thậm chí, có trường hợp còn cố tình co kéo thêm quyền cấp phép, quyền thanh kiểm tra về cho cơ quan, bộ ngành mình.

Có lẽ hơn lúc nào hết, hiện nay đang rất cần một cơ chế phù hợp, một cơ chế gác cổng để rà soát các chồng chéo, xung đột này, từ một góc nhìn chung nhất. Cần một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy chủ động rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật.

Một vấn đề lớn khác trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay là các văn bản ban hành cần đảm bảo được lợi ích chung tốt nhất của Nhà nước. Vẫn còn hiện tượng một số bộ ngành đang chú trọng quá góc nhìn quản lý của mình, chưa có cơ quan chủ trì và gác cổng để đánh giá so sánh chi phí lợi ích chung của quy định đối với cả nền kinh tế. Chính vì vậy có thể một số chính sách được ra đời mà chưa có được góc nhìn toàn diện cho cả nền kinh tế, có thể chỉ bó hẹp góc nhìn trong lợi ích của từng ngành riêng lẻ. Việc đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện và khách quan cần phải tiến hành mạnh mẽ và thường xuyên hơn nữa. Quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay ngoài việc phát huy vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo (là bộ ngành) còn cần phát huy mạnh mẽ và lớn hơn về vai trò độc lập của các cơ quan tham gia khác.

Vì góc nhìn của từng bộ, ngành nên việc ban hành chính sách có thể chưa đồng đều và nhất quán. Chẳng hạn với sự thay đổi nhanh về công nghệ hiện nay, những mô hình kinh doanh mới ra đời thì đã có những lúng túng và phản ứng khác biệt về chính sách. Chẳng hạn với mô hình doanh nền tảng (platform economy) thì hình thức kinh doanh chia sẻ bằng xe ô tô của Grab, Uber được xem như là một hình thức kinh doanh vận tải ô tô, trong khi hình thức tương tự bằng xe máy thì đang điều chỉnh như một hình thức thương mại điện tử. Trong lĩnh vực du lịch thì mô hình kinh doanh chia sẻ như AirBnb thì chưa được điều chỉnh của pháp luật.

Vì mỗi ngành có những động lực khác nhau như ngành thuế có động lực thu thuế, ngành công an có động lực kiểm soát an ninh trật tự, ngành công thương lại quan tâm yêu cầu phát triển ngành, ngành ngân hàng bảo vệ ổn định tiền tệ… nên những động cơ ban hành chính sách rất khác nhau và có thể khó tạo ra được đột phá trong nhiều lĩnh vực mới.

Dù đã được cải thiện rất nhiều so với trước nhưng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cần tiếp tục đổi mới hơn nữa.

Chất lượng một số hoạt động xây dựng pháp luật còn thấp so với yêu cầu. Dù đã cải thiện rất nhiều nhưng đề xuất chính sách còn chung chung, nhiều báo cáo đánh giá tác động còn chưa đạt chất lượng yêu cầu, chưa chú trọng đánh giá hiệu quả chính sách có được như được dự kiến ban đầu hay không. Nên giải pháp thời gian tới là tăng tính chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật cần được chú trọng hơn, thu hút và khuyến khích các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tiến hành tham vấn thực chất và rộng rãi hơn nữa là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn tới.

Đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thì quá trình soạn thảo văn bản pháp luật cần nâng cao tính minh bạch. Đổi mới quy trình lấy ý kiến dự thảo với người dân cần thân thiện hơn, chẳng hạn thay vì đăng tải toàn văn dự thảo, tờ trình dự thảo mà rất khó nhận biết, cần có thêm các phân tích, diễn giải về sự thay đổi, về từng nhóm vấn đề. Cần phải đăng tải đầy đủ các bản giải trình tiếp thu ý kiến từ cộng đồng của ban soạn thảo. Đặc biệt, cần hạn chế thấp nhất việc ban hành văn bản pháp luật theo quy trình rút gọn vì sẽ hạn chế doanh nghiệp và người dân kcó cơ hội tham gia ý kiến. Tiếp tục đổi mới quy trình tham vấn, lấy ý kiến theo hướng thực chất và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật./.

Đậu Anh Tuấn

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI