Nói về ý nghĩa của năm học 2023-2024 trong lộ trình đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023 - 2024, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông (GDPT) với việc triển khai Chương trình GDPT 2018.
Hiện, Chương trình được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường.
Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tiếp tục lộ trình này, năm học 2023 - 2024, khối lượng công việc ngành cần thực hiện sẽ rất lớn, bao gồm: Vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.
Trong đó, chuẩn bị sách giáo khoa cho lớp cuối cấp với yêu cầu, đòi hỏi lượng công việc nhiều hơn nữa.
Phạm vi đổi mới rộng, lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, năm học 2023 - 2024 đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, không chỉ triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học, năm học này, hoạt động đổi mới cần đi vào chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động.
Kèm theo đó là đòi hỏi chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng… để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.
Cùng với đó, năm học 2023 - 2024 là năm triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục.
Ngành Giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Về nội dung này, có thể nói đến những công việc quan trọng như tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT - nhìn nhận lại chặng đường 10 năm đổi mới, đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, từ đó đề xuất các định hướng chỉ đạo lớn tầm Trung ương cho chặng đường đổi mới tiếp theo.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT chuẩn bị xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội vào năm 2024; rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học và những văn bản dưới luật có liên quan…
"Năm học 2023 - 2024 cũng quan trọng với giáo dục mầm non khi triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Đồng thời, tăng cường triển khai văn hóa học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường… cũng là yêu cầu đặt ra với năm học này". Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.