Bộ GTVT đã chính thức ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 về kiểm định xe cơ giới. Nhiều chủ phương tiện thắc mắc khi không cần đưa phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, vậy việc lập hồ sơ phương tiện, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và dán tem kiểm định được thực hiện ra sao?
Tại buổi Tọa đàm “Quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới” do Báo Giao thông tổ chức, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết với quy định miễn đăng kiểm ô tô mới, ngoài việc không phải đưa phương tiện đến kiểm tra, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy để trung tâm đăng kiểm dán vào hồ sơ phương tiện.
“Trước đây, việc tiến hành kiểm tra trực tiếp. Nhưng do hiện đã được miễn kiểm định lần đầu, mọi dữ liệu sẽ được lấy trên cơ sở dữ liệu về xe SXLR, nhập khẩu để kiểm định. Trên giấy chứng nhận kiểm định được cấp, ở vị trí in ảnh cũng sẽ được ghi là xe được miễn kiểm định lần đầu”, ông An nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Tô An cũng cho biết, cơ quan soạn thảo, ban hành Thông tư 02 cũng đã lường trước được một số tình huống khi phát tem kiểm định để chủ xe tự dán. Các trung tâm sẽ hướng dẫn người dân cách dán tem, đồng thời người dân cũng cần phải có ý thức.
Tuy nhiên, có thể do sơ xuất, trong quá trình dán tem bị hỏng, chủ phương tiện cần mang bằng chứng tem dán hỏng, thậm chí giấy chứng nhận bị hỏng tới bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào cũng sẽ đều thực hiện in lại, cấp lại cho chủ phương tiện sử dụng, dán lên xe.
Trường hợp chẳng may để mất tem hoặc giấy chứng nhận, theo quy định, trong thời gian 7 ngày làm việc, chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền có thể mang giấy tờ theo quy định để được cấp lại.
Việc cấp lại cũng chỉ được thực hiện duy nhất 1 lần để tạo điều kiện cho chủ phương tiện chẳng may làm mất. Trường hợp cấp lại chỉ được thực hiện trong thời gian không quá 1 tuần. Còn nếu quá sẽ phải thực hiện kiểm tra, kiểm định để được cấp lại.