Ghi chép và hệ thống lại các công thức toán học đang là phương pháp ghi nhớ phổ biến nhất mà đa số học sinh đều sử dụng, giúp thu được những hiệu quả học tập đáng kể. Năm 1985, Kiewra, một chuyên gia tâm lý giáo dục tại Đại học Nebraska (Mỹ) đã đưa ra công bố một học sinh ghi chép bài học trong lúc học sẽ có khả năng ghi nhớ kiến thức đó lâu hơn so với người không ghi chép gì.
Ngoài việc ghi chép trực tiếp trên lớp, khi về nhà, nên ghi chép lại vài lần nữa ra giấy nhớ, một cuốn sổ nhỏ, một trang vở… hoặc bất cứ đâu trong tầm mắt, dễ dàng nhìn thấy. Việc chép đi chép lại nhiều lần sẽ tạo nếp ghi nhớ cho não bộ, kiến thức sẽ hằn sâu trong não. Như vậy, sẽ ghi nhớ các công thức toán với tốc độ nhanh hơn và không dễ bị quên.
Từ các kiến thức toán học đã được học trên lớp, hãy áp dụng để giải quyết các bài tập nhanh chóng. Có rất nhiều dạng bài tập khác nhau có thể gặp, vì thế, để có thể hiểu sâu sắc cách dùng của các công thức toán học cần phải làm thật nhiều bài tập liên quan.
Việc làm lặp đi lặp lại nhiều dạng bài không chỉ giúp ghi nhớ công thức mà còn có thể hỗ trợ nhanh chóng nhìn ra các dạng toán khác nhau, tìm được cách giải phù hợp với từng dạng toán.
Một phương pháp ghi nhớ công thức toán cực kì hiệu quả nên áp dụng đó là truyền đạt những nội dung bản thân đã học được lại cho người khác. Khi truyền đạt lại bản chất của các kiến thức toán học thông qua ngôn từ và kiến thức của chính mình để dạy lại cho người khác có thể giúp củng cố thông tin, giúp bản thân ghi nhớ tốt và nhanh hơn.
Tại sao giáo viên toán có thể nhớ các kiến thức rõ ràng và sâu đậm? Đó là vì giáo viên đã chia sẻ và dạy lại cho học sinh rất nhiều lần, nếu không có những quá trình chủ động như giảng dạy thì hầu hết mọi thứ giáo viên học cũng sẽ bị lãng quên sau một thời gian.
Quá trình giảng giải và chuyển hoá kiến thức đồng thời giúp hiểu sâu hơn và khắc ghi các thông tin vào sâu trong não.
Xuất phát từ "mnēmonikos" - một từ Hy Lạp cổ đại đề cập đến ký ức, Mnemonic có thể là từ, ký ức, một câu chuyện, một bức tranh, từ viết tắt, bài hát, điệu nhảy, hoặc bất cứ điều gì mà có thể tưởng tượng. Nó là loại kỹ thuật hoặc có thể là "mẹo" để có thể học và nhớ một cách dễ dàng.
Đối với môn toán, để nhớ các công thức thì có thể áp dụng phương pháp Mnemonic bằng cách ghi nhớ qua các bài thơ. Một số ví dụ để hiểu hơn về cách ghi nhớ này như sau:
"Muốn tính diện tích hình thang
Đáy lớn đáy nhỏ ta mang cộng vào
Thế rồi nhân với chiều cao
Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra"
" Cos cộng cos bằng hai cos cos
cos trừ cos bằng trừ hai sin sin
Sin cộng sin bằng hai sin cos
sin trừ sin bằng hai cos sin.
Sin thì sin cos cos sin
Cos thì cos cos sin sin "coi chừng" (dấu trừ).
Tang tổng thì lấy tổng tang
Chia một trừ với tích tang, dễ òm".
Kỹ thuật Mnemonic là phương pháp ghi nhớ hiệu quả vì giúp liên kết những sự việc, hiện tượng và biến thành một vần điệu, trình tự hoặc thậm chí là những hình ảnh có phần dễ nhớ.