In bài viết

Không nên giới hạn tuổi hành nghề công chứng

15:09 - 04/10/2022

(Chinhphu.vn) - Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến, tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, nghiên cứu quy định điều kiện, tiêu chí của công chứng viên một cách khoa học, phù hợp như không nên giới hạn độ tuổi hành nghề (70 tuổi) mà theo hướng đủ điều kiện sức khỏe...

Không nên giới hạn tuổi hành nghề công chứng - Ảnh 1.

Không nên giới hạn tuổi hành nghề công chứng.

Tại Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 9/2022, Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), nội dung cơ bản của các chính sách nhằm tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật cần quán triệt quan điểm, yêu cầu sau:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp.

Thứ hai, bảo đảm phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tạo cơ chế hoạt động minh bạch; đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội, ưu tiên người yếu thế, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật với các nội dung sau:

Chính sách 1: Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng, phạm vi thẩm quyền của công chứng viên và các nguyên tắc cơ bản nhằm phát triển hoạt động công chứng của nước ta theo đúng mô hình công chứng nội dung, góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực: Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan để rà soát kỹ các quy định pháp luật của các lĩnh vực liên quan, nghiên cứu đầy đủ, khoa học đối với các loại giao dịch liên quan đến đất đai, bất động sản... để có sự thống nhất sửa đổi, bổ sung tại Luật Công chứng hoặc luật chuyên ngành.

Chính sách 2: Phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững: cần quy định hoạt động hành nghề công chứng viên đúng với tính chất của nghề công chứng, phù hợp với thực tiễn trong nước cũng như quốc tế. 

Xây dựng các quy định tập trung vào nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng cũng như cơ chế kiểm soát công chứng viên để họ có điều kiện tốt nhất thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp hiệu quả cho xã hội, hạn chế những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình hành nghề; nghiên cứu quy định đa dạng hơn các hình thức hành nghề để công chứng viên có điều kiện thuận lợi hành nghề, có cơ chế phát huy và chịu trách nhiệm cá nhân trước khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước; nghiên cứu quy định điều kiện, tiêu chí của công chứng viên một cách khoa học, phù hợp như không nên giới hạn độ tuổi hành nghề (70 tuổi) mà theo hướng đủ điều kiện sức khỏe...

Chính sách 3 (Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc hợp danh hoặc thay đổi thành viên hợp danh của văn phòng công chứng) và Chính sách 5 (Tăng cường các giải pháp, công cụ quản lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế): cần đánh giá đúng tính chất, vai trò của tổ chức hành nghề công chứng để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như quốc tế. 

Đối với tổ chức hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công chứng cần bổ sung quy định đầy đủ và phù hợp để phát huy vai trò xã hội, cùng với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện kiểm soát, hỗ trợ công chứng viên hiệu quả; việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng không nên theo quy hoạch mà tôn trọng quy luật cung cầu nhưng cần có biện pháp kiểm soát, điều tiết hoạt động công chứng, nhất là trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; cần quy định rõ các nội dung quản lý nhà nước để một mặt bảo đảm hiệu quả, tạo điều kiện cho việc thành lập, hoạt động các văn phòng công chứng nhưng mặt khác phải kiểm soát tốt, tránh được những tiêu cực, bất cập trong việc thành lập, chuyển nhượng, hợp danh hoặc thay đổi thành viên hợp danh của văn phòng công chứng.

Chính sách 4: Xây dựng quy trình công chứng linh hoạt, tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng và trách nhiệm của công chứng viên nhưng vẫn bảo đảm sự chặt chẽ, đúng yêu cầu của mô hình công chứng nội dung, đồng thời tạo lập được cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp: Xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thủ tục, giảm chi phí nhưng cần phù hợp và giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

Đặc biệt đối với các mức phí, lệ phí cần được tính toán có cơ chế đa dạng để người dân có thể tiếp cận và tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách, về nội dung chuyển đổi số cần xử lý đồng bộ theo các quy định của Luật Giao dịch điện tử. Luật Công chứng lựa chọn các thành tố số của hoạt động giao dịch điện tử để áp dụng quy định chi tiết hoạt động công chứng điện tử và các nội dung đặc thù, riêng biệt (nếu có), đảm bảo sau khi Luật ban hành, hoạt động công chứng điện tử có thể thực hiện được ngay. 

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là cần thiết, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng Đề án phù hợp với tổng thể với các cơ sở dữ liệu liên quan khác của ngành Tư pháp và có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (trừ liên quan đến nội dung an ninh, quốc phòng), trong đó xác định rõ nguồn lực tài chính đảm bảo chi đầu tư, chi thường xuyên phù hợp với quy định của pháp luật.

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách, bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi, đặc biệt là các vấn đề còn ý kiến khác nhau; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật để đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo quy định.

Vũ Phương Nhi