Hiện nay (15/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp khu vực Nam Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trên đất liền: đêm 15/12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4-5.
Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi Bắc Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10-13 độ, vùng núi 6-9 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ.
Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 13-16 độ.
Khu vực Hà Nội: không mưa, trời rét. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ.
Trên biển: đêm 15/12, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5-3,0m. Từ ngày 16/12 gió giảm dần.
Đêm 15 và ngày 16/12, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 4,0-6,0m.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Thời điểm dự báo | Khu vực ảnh hưởng | Nhiệt độ thấp nhất (oC) | Nhiệt độ trung bình (oC) |
Đêm 15 và ngày 16/12 | Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ | 11-14; vùng núi 7-10, có nơi dưới 6 | 15-17, vùng núi có nơi dưới 13 |
Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế | 13-16 | 17-19 | |
Đêm 16 và ngày 17/12 | Bắc Bộ và Thanh Hóa | 10-13; vùng núi 6-9, có nơi dưới 5 | 16-18; vùng núi có nơi dưới 14 |
Nghệ An đến Thừa Thiên Huế | 13-16 | 17-19 |
Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên chiều tối và đêm 15/12 ở khu vực từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Trời rét có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Ngày hôm nay (15/12), ở khu vực từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 07h đến 15h ngày 15/12 có nơi trên 80mm như: Tam Trà (Quảng Nam) 96.8mm, Phổ Phong (Quảng Ngãi) 84mm, Bồng Sơn (Bình Định) 118.5mm, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) 132.6mm, Lợi Hải (Ninh Thuận) 97.4mm,…
Chiều tối và đêm 15/12, ở khu vực từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>50mm/6h).
Ngoài ra, trong chiều tối và đêm 15/12, ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-20mm, cục bộ có nơi trên 40mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cảnh báo: từ ngày 16/12 mưa lớn ở khu vực Trung Bộ kết thúc. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.
Dự báo tác động của mưa lớn: Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Văn bản số 7056/UBND-NLN về việc chủ động các biện pháp phòng, chống rét trên địa bàn tỉnh.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 7/12/2024, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 - 18 độ, vùng núi từ 12 - 14 độ, vùng núi cao dưới 10 độ, có nguy cơ ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến gió mùa Đông Bắc, rét và thông tin kịp thời cho chính quyền cơ sở, Nhân dân chủ động các biện pháp để phòng, tránh; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông - Xuân năm 2024 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 27/11/2024) và Văn bản số 6835/UBND-NLN ngày 27/11/2024 về việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi các tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo cấp xã thành lập các tổ, phân công thành viên phụ trách từng thôn, bản trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục gia cố, che chắn chuồng nuôi; dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác trên địa bàn.
Khi có rét đậm, rét hại xảy ra, tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại về vật nuôi, cây trồng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào 15 giờ hằng ngày để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông tỉnh kịp thời đưa tin về diễn biến tình hình thời tiết; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; chuẩn bị, cung ứng kịp thời, đầy đủ vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch.
Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông - Xuân năm 2024 - 2025.
Dự báo trong thời gian tới dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm, đặc biệt chú ý phòng, chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế,… tuyên truyền, vận động, phổ biến cho Nhân dân các biện pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, nhất là cho người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em… Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; kịp thời tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, nhất là các xã vùng cao để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi; những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện cho đàn gia súc tránh rét. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng thiệt hại về người và cây trồng, vật nuôi bị chết nhiều do chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho người dân và cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tế thời tiết rét đậm, rét hại để có kế hoạch dạy học phù hợp, chủ động thông báo cho các trường học cho học sinh nghỉ học theo quy định; hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo việc nghỉ học của học sinh khi có rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác do giá rét…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng.
Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân.
Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên tăng cường thời lượng, khung giờ hợp lý, có biện pháp tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét cho người và gia súc, gia cầm, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp…
Các sở, ban, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại để giảm thiểu thiệt hại.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 2444/SGDĐT-GDCTHSSV gửi Phòng GDĐT các huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở; các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDTX) trong tỉnh.
Theo đó, căn cứ Văn bản số 9258/BNN-ĐĐ ngày 5/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ứng phó với rét và gió mạnh trên biển; Quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 12/8/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT) và GDTX tỉnh Nam Định; để đảm bảo sức khoẻ và phòng, chống rét cho học sinh, Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục (CSGD) thực hiện tốt các nội dung:
Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng học chức năng, đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đặc biệt đối với các cơ sở GDMN cần đảm bảo có nước ấm và các điều kiện cần thiết để chăm sóc và phục vụ trẻ.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ điều kiện thời tiết ở địa phương, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm; trường hợp học sinh đến trường muộn vì lý do thời tiết, cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học.
Các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh cần theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời tại khu vực Nam Định được phát tại Bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), chương trình “Chào buổi sáng” của Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định (NTV), chương trình “Chào ngày mới” vào 6 giờ hàng ngày.
Căn cứ thông tin thời tiết, các cơ sở giáo dục được phép quyết định cho trẻ nghỉ học, học sinh chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến.
Các cơ sở giáo dục thông báo kịp thời tới tất cả giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh ngay sau khi nhận được thông tin dự báo thời tiết: Trẻ em mầm non nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ; học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ; học sinh THCS, THPT chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ.