In bài viết

Khởi tố Nguyễn Thúc Thùy Tiên cùng 4 đồng phạm

22:07 - 19/05/2025

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an thông tin vụ khởi tố hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và 04 bị can liên quan vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.

Khởi tố Nguyễn Thúc Thùy Tiên cùng 4 đồng phạm- Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên về tội “Lừa dối khách hàng”

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, quá trình điều tra mở rộng, căn cứ tài liệu điều tra, ngày 15/5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) về tội “Lừa dối khách hàng” và khởi tố bị can đối với 04 đối tượng là lãnh đạo trong Công ty CP Asia Life cùng về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”.

Cụ thể, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) về tội “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ Luật hình sự, với vai trò đồng phạm với các bị can thuộc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.

Khởi tố Nguyễn Phạm Hồng Vy, Giám đốc Asia Life tội "sản xuất hàng giả là thực phẩm"

Khởi tố bị can đối với 04 đối tượng là lãnh đạo trong Công ty CP Asia Life, gồm: 

- Nguyễn Phạm Hồng Vy, Giám đốc, đại diện pháp luật; 

- Phạm Thị Diễm Trinh, Trưởng Phòng nghiên cứu và Phát triển sản phẩm; 

- Trương Thị Lê, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng kiêm Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng;

- Trần Thị Lệ Thu, Trưởng phòng Sản xuất.

Cả 4 bị can trên cùng bị khởi tố về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”, quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò đồng phạm với Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life.

Trong đó, bắt tạm giam đối với Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu. 

Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Phạm Hồng Vy (do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) và Trương Thị Lê (do đang mang thai).

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Khởi tố Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life cùng Hằng Du mục, Quang Linh Vlogs

Trước đó, ngày 03/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 18/QĐ-VPCQCSĐT về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng” liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk. 

Cùng ngày 03/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 05 bị can, gồm:

Khởi tố Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”, quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015;

Khởi tố 04 bị can là lãnh đạo, cổ đông Công ty Chị Em Rọt, gồm: 

(1) Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục), Chủ tịch HĐQT; 

(2) Lê Tuấn Linh, Giám đốc, đại diện pháp luật; 

(3) Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) là cổ đông, thành viên HĐQT;

(4) Lê Thành Công là cổ đông, thành viên.

Bốn bị can cùng bị khởi tố về tội “Lừa dối khách hàng”quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả

Trước đó, ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 65/CĐ-TTg chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15 tháng 5 năm 2025 đến ngày 15 tháng 6 năm 2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định để tổ chức hoạt động điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong cao điểm, không để kéo dài.

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ'

Quá trình đấu tranh cần chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Từ kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý của các bộ chức năng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giải pháp khắc phục; khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý hình sự để hoàn thiện pháp luật hình sự, nhất là Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo duy trì trật tự an toàn khu vực biên giới và trên biển.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả

Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục; hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan làm tốt công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lâm sản, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, quảng cáo sai sự thật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

Khẩn trương thành lập tổ công tác địa phương phòng chống buôn lậu, hàng giả

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập Tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

Các bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo nhanh kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổng kết thực hiện cao điểm.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Công điện này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cấp chính quyền trong vận động đoàn viên, hội viên tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị tại địa phương tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm - Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.