In bài viết

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, Bộ cầu thị lắng nghe, tìm cách khẩn trương tháo gỡ

08:15 - 28/06/2022

(Chinhphu.vn) - Nguyên liệu thiếu nguồn cung và tăng giá, chi phí logistics cao, thiếu hụt lao động, tiếp cận tín dụng còn bất cập… là những “chướng ngại vật” lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt trên chặng đường phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã lắng nghe, sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 7 tới đây.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, Bộ cầu thị lắng nghe, tìm cách khẩn trương tháo gỡ - Ảnh 1.

Hội nghị thảo luận về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022

Đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị thảo luận về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 27/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường như xung đột vũ trang, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.

Trong nước, nhiều đánh giá, nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trước những biến động lớn của tình hình khu vực thế giới, khu vực. Nhiều ngành, lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng sau dịch, nhất là hàng không, du lịch, bán lẻ…

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đi sâu vào trao đổi các khó khăn, đưa ra các đề xuất cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng muốn khẳng định lại là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, nắm bắt được các cơ hội".

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, Bộ cầu thị lắng nghe, tìm cách khẩn trương tháo gỡ - Ảnh 2.

TS Bùi Văn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không

"Khát" nhân lực: Giá nhân công tăng 20-30%, doanh nghiệp vẫn không tìm được lao động

Hội thảo là dịp để gần 20 hiệp hội, ngành hàng và cơ quan liên quan, những nhà làm chính sách cùng trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức, đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Thiếu thụt nguồn nhân lực là phản ánh chung của nhiều hiệp hội, ngành hàng. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, do tính chất đặc thù nên lĩnh vực xây dựng sử dụng nhiều lao động thời vụ, nông nhàn. Tuy nhiên, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công nhân xây dựng đã đi làm những công việc khác. Đơn giá nhân công tăng 20-30% nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn loay hoay, không tìm được lao động.

Đối với hàng không – một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất, TS Bùi Văn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết một bộ phận lao động kỹ thuật, quản lý có trình độ cao nghỉ việc. Điều này gây thiếu hụt lao động dù thị trường đang đà phục hồi.

Tương tự, ở những ngành sản xuất cần nhiều lao động chất lượng cao như điện tử, chế biến, chế tạo… đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Tình phản ánh, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Dù giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhưng vẫn không đủ sức "giữ chân" lao động.

Cùng cảnh ngộ, lượng lao động ngành du lịch sụt giảm khoảng 55-60%, nhiều khách sạn, đặc biệt là khách sạn 5 sao thận trọng, chưa mở lại. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực ở những điều kiện cơ bản nhất, nhờ vậy doanh nghiệp sẽ có nền tảng để phát triển tiếp.

Theo các hiệp hội, cần thúc đẩy chính sách đào tạo nghề và phát huy vai trò trường nghề để đáp ứng nguồn cung lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trường nghề) có thể cùng nhau hợp tác để tăng hiệu quả đào tạo để tạo nên sản phẩm là người lao động lành nghề.

Giá nguyên vật liệu và chi phí logistics tăng cao đè nặng đôi vai doanh nghiệp

Tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế làm giá nhiên liệu tăng cao. Đại diện Hiệp hội Hàng không, ông Bùi Văn Nề cho biết nhiều tuyến đường bay phải điều chỉnh, làm tăng giờ bay dẫn đến tăng chi phí. Sự cạnh tranh trên các đường bay quốc tế trở nên khốc liệt hơn trong khi tiềm lực các doanh nghiệp hàng không Việt Nam còn hạn chế. Ông Nề đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% và xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch cho đến khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi (dự kiến kịch bản tích cực là cuối tháng 6 hoặc hết năm 2023)

Có thể nói, vấn đề trên cũng là gánh nặng chung của các ngành như dệt may, logistics, xây dựng… Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho biết, giá cả nguyên vật liệu đồng loạt tăng gây áp lực khiến giá thành tăng khoảng từ 18-30% so với cuối năm 2020. Theo ông Trương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá bông, xăng, dầu đều tăng. Trong khi tỷ giá ngoại tệ như nhân dân tệ, đồng won và yên đều giảm trên 15% thì VNĐ chỉ giảm 1,8%. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện lãnh đạo các hiệp hội thống nhất cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ, bình ổn giá để các doanh nghiệp không bị mất lợi thế cạnh tranh.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, Bộ cầu thị lắng nghe, tìm cách khẩn trương tháo gỡ - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh

Tổng chi phí vận chuyển 1 container 40 feet hàng thủy sản đông lạnh sang Bờ Đông nước Mỹ (ví dụ như bang Florida) trong giai đoạn đỉnh dịch và tắc nghẽn cảng là 400 triệu đồng. Tại thời điểm tháng 6 hiện nay, chi phí khoảng 390 triệu đồng/container, có giảm nhưng vẫn là mức cao gấp 4-5 lần bình thường. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam về sức ép chi phí logistics đối với doanh nghiệp.

Giải bài toán trên, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng, Bộ KH&ĐT cần quan tâm tái quy hoạch, quy hoạch mới về logistics, trong đó cho các doanh nghiệp chủ hàng đầu tư vào tỉnh/vùng phù hợp. Giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI. Ông Minh đề xuất Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.

Ngoài những khó khăn trên, các hiệp hội, ngành hàng cũng nêu vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, cần có cơ chế thúc đẩy kinh tế chia sẻ như kết nối nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động sử dụng các nguồn lực.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị trong vòng 2 ngày tới, các hiệp hội có văn bản đề xuất chính thức, gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới. Đối với các nội dung dài hạn, Bộ KH&ĐT tiếp thu và sẽ lựa chọn đề án, nhiệm vụ phù hợp để đưa vào./.