Chiều 8/8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Văn bản do TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ký ban hành cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh.
Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định.
Đồng thời đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân.
Thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu 2 Sở Y tế trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn.
Thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.
Cùng đó, tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Bên cạnh đó rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc điều trị kháng sinh dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch.
Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch.
Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Sở Y tế Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại Nghệ An, một cô gái 18 tuổi tại Nghệ An vừa được xác định tử vong do bệnh bạch hầu, đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương này trong nhiều năm trở lại đây.
Còn ca bệnh tại Bắc Giang, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ngày 7/7/2024, trường hợp Moong Thị Biên, 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với Bạch hầu.
Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh Bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Sau khi có ca bệnh đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Bệnh nhân là một phụ nữ 18 tuổi, cư trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Sau khi điều tra dịch tễ, ngành y tế tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn đã xác định được 119 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng thành dịch.
Bệnh Bạch hầu được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
119 người này thường trú tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, trong đó có 2 người đã rời khỏi địa phương và đi làm việc tại tỉnh Bắc Giang.
Hiện tại, có một người có triệu chứng đau họng và kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu.
TS.BS Nguyễn Văn Thương - Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về 1 ca nghi bạch hầu, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An đến bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành nhuộm soi tươi mẫu bệnh phẩm, cử cán bộ trực tiếp mang mẫu ra Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương ngay trong đêm.
Đồng thời, yêu cầu CDC Nghệ An thành lập ngay Đội phản ứng nhanh xuất phát lên Kỳ Sơn vào sáng ngày 5/7 để hỗ trợ công tác điều tra và phòng chống dịch bệnh.
Đội phản ứng nhanh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, Trung tâm y tế Kỳ Sơn, các trường học, trạm y tế điều tra, rà soát thông tin các trường hợp tiếp xúc gần; thực hiện gọi điện thoại hướng dẫn một số trường hợp tiếp xúc gần đã đi làm công ty ở địa phương khác và hướng dẫn khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
"Ngành Y tế Nghệ An đang phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, cách ly, cho những người tiếp xúc gần, có các biểu hiện đau họng, ho, sốt... uống thuốc kháng sinh dự phòng; hướng dẫn điều trị tại chỗ, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân hiểu và phòng ngừa bệnh bạch hầu; tiến hành tiêm vaccine phòng Bạch hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm", TS.BS Nguyễn Văn Thương nói.
Khẩn trương mở rộng điều tra dịch tễ, đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng
TS.BS Nguyễn Văn Thương cũng cho biết, vào sáng 8/7, Sở Y tế đã có văn bản bản hỏa tốc gửi các đơn vị, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, đối với các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.
Tăng cường hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh. Đồng thời, vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Chủ động phối hợp ngành giáo dục - đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học về các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong có thể.
Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch (nếu có) và khuyến cáo người dân tiêm phòng vaccine có thành phần bạch hầu tại các điểm tiêm dịch vụ đối với những đối tượng không được chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, đặc biệt rà soát các đối tượng chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ các vaccine có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét.
Đảm bảo tất cả các trẻ kể cả trẻ vãng lai trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vaccine muộn hoặc không được tiêm vaccine.
Phối hợp chính quyền, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khẩn trương mở rộng điều tra dịch tễ, phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, đối với các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.
Tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các hộ gia đình có người mắc bệnh, trường học, bệnh viện, lập chốt kiểm soát hạn chế người ra vào khu vực có dịch và lồng ghép với hoạt động cấp phát thuốc, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, thực hiện tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng (ưu tiên tiếng dân tộc thiểu số) cho người dân về các biểu hiện bệnh, hợp tác phòng chống bệnh dịch bạch hầu.
Khó khăn của Nghệ An trong phòng chống bệnh bạch hầu hiện nay là người dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức về bệnh bạch hầu còn hạn chế mặc dù ngành y tế thường xuyên tuyên truyền và phổ biến.
TS. Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo: Những người dân tiếp xúc với bệnh nhân khi có những triệu chứng như đau họng, ho, khó thở, sốt ... cần đến ngay Trạm Y tế để được khám và tư vấn, chuyển tuyến kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà.
Người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng nhằm bảo vệ trẻ cũng như tạo nên miễn dịch cộng đồng.