Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn.
Đã chỉ đạo, ban hành kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Đồng thời, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...
Các giải pháp điều hành giá nêu trên được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến, tình hình thực tiễn, chủ động thực hiện nhiều giải pháp điều hành, quản lý giá cả hiệu quả, kịp thời; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá.
Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; chủ động thực hiện các giải pháp cung cầu hàng hoá đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu...
Qua đó, góp phần ổn định mặt bằng giá cả, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.
Trước tình hình trên, để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, từ nơi bắt đầu, không để lúng túng, bị động trong mọi tình huống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thứ nhất, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá.
Trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị.
Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.
Chú trọng, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.
Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...), phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2024.
Thứ ba, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.
Chủ động đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện công tác quản lý, điều hành giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, về công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng cụ thể.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, trong mọi tình huống không để thiếu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện hóa đơn điện tử.
Đối với mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá: Các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, các vật tư nông nghiệp để kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường; không để thiếu, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đối với vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Đối với dịch vụ vận tải hàng không: Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định năng lực vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè 2024 sắp tới.
Đối với dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động nắm bắt thông tin về mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2024-2025 để có đánh giá tổng thể về mức độ tăng và tình hình triển khai thực hiện; kiểm soát và điều hành không để tăng giá sách giáo khoa và các dịch vụ giáo dục bất hợp lý gây hậu quả lạm phát giá tiêu dùng.
Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Thứ năm, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá.
Thực hiện hiệu quả, kịp thời công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.
Công khai minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Thứ sáu, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương việc thực hiện Công điện này
Thứ bẩy, Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền./.