In bài viết

Khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững: Xử lý nghiêm các tàu cá “3 không”

22:47 - 19/09/2022

(Chinhphu.vn) - Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm.

Khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững: Xử lý nghiêm các tàu cá “3 không” - Ảnh 1.

Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng.

Đó là một trong những nội dung tại Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 (Chương trình) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022.

Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo Luật Thuỷ sản 2017.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại sang các nghề ít xâm hại nguồn lợi

Nhiệm vụ khác của Chương trình là tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Cụ thể, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản, sản lượng cho phép khai thác trên từng ngư trường; xác định nghề khai thác cần cắt giảm, lộ trình cắt giảm và chỉ tiêu cắt giảm cho từng địa phương thực hiện.

Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của từng địa phương.

Chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng ít nhiên liệu, ít nguồn lực hơn, hoặc chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo của nguồn lợi thủy sản.

Thúc đẩy đàm phán hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tổ chức đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản viễn dương và vùng đặc quyền kinh tế của các nước theo thỏa thuận hợp tác nghề cá.