Đây là đề xuất được được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Theo dự thảo, kinh phí hỗ trợ phối giống nhân tạo cho hộ chăn nuôi được cấp thông qua các tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc, gồm:
Hỗ trợ 100% kinh phí về vật tư phối giống nhân tạo gồm tinh đông lạnh, Nitơ lỏng, găng tay và dẫn tinh quản cho hộ chăn nuôi để phối giống cho trâu, bò cái sinh sản; mức hỗ trợ tối đa 03 liều tinh/năm đối với trâu, bò sữa và 02 liều tinh/năm đối với bò thịt.
Hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh cho hộ chăn nuôi để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ tối đa 02 liều tinh/lần phối giống và tối đa 06 liều tinh/nái/năm.
Dự thảo nêu rõ, để nhận được hỗ trợ, hộ chăn nuôi phải bảo đảm các điều kiện sau: 1- Đáp ứng quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật Chăn nuôi; 2- Văn bản chứng minh đã sử dụng tinh để phối giống nhân tạo đối với vật nuôi được hỗ trợ; 3- Sử dụng loại tinh bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Theo dự thảo, người thực hiện phối giống nhân tạo gia súc lập danh sách có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với các hộ có nhu cầu đăng ký nhận hỗ trợ, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ quan chuyên môn cấp huyện định kỳ một tháng/lần.
Thành phần hồ sơ gồm: 1- Quyết định giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
2- Quyết định giao kế hoạch phối giống nhân tạo gia súc hằng năm hoặc giai đoạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
3- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn đơn vị cung cấp vật tư phối giống nhân tạo gia súc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
4- Hợp đồng cung cấp vật tư phối giống nhân tạo gia súc giữa tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện phối giống nhân tạo gia súc và đơn vị được chỉ định cung cấp vật tư thụ tinh nhân tạo.
5- Danh sách các hộ chăn nuôi gia súc được phối giống nhân tạo có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
6- Biên bản nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc đã được thực hiện.
Cơ quan chuyên môn cấp huyện tổng hợp danh sách, số lượng gia súc được phối giống trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận; gửi hồ sơ báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ một tháng/lần.
Sau khi nhận hồ sơ của cơ quan chuyên môn cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, trong thời hạn 10 ngày làm việc từ ngày có kết quả thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu, trong thời hạn 10 ngày làm việc từ ngày nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí mua vật tư phối giống nhân tạo gia súc cho đơn vị đã cung cấp vật tư phối giống nhân tạo gia súc; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
* Luật Chăn nuôi nêu rõ:
Điều 56. Chăn nuôi nông hộ
Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;
b) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;
c) Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;
d) Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật;
đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này;
b) Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;
c) Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn