Chiều ngày 20/12, ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đã làm việc với Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc về Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Sở Nội vụ hiện có 53 công chức, với 1 Giám đốc, 3 Phó Giám đốc và 49 công chức thuộc 6 tổ chức, phòng chuyên môn. Còn Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hiện có 44 biên chế công chức, trong đó có 1 Giám đốc, 3 Phó Giám đốc và 40 công chức thuộc 6 tổ chức, phòng chuyên môn.
Sau khi Sở Nội vụ tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; người có công; bình đẳng giới từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sẽ có tên gọi là Sở Nội vụ và Lao động.
Dự kiến, Sở Nội vụ và Lao động có 83 công chức với 1 Giám đốc và không quá 4 Phó Giám đốc; 78 công chức thuộc 7 tổ chức, phòng chuyên môn. Sở còn có các đơn vị sự nghiệp công lập là Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Ban Quản trang và Nhà tang lễ (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thuộc Cơ sở hỏa táng cho đồng bào Khmer).
Ban Dân tộc tỉnh hiện có 16 biên chế công chức và 3 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 của Chính phủ, trong đó có 1 Trưởng ban, 1 Phó ban và 14 công chức thuộc 2 phòng chuyên môn.
Theo đề án, sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo từ Sở Nội vụ và lĩnh vực giảm nghèo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sẽ có tên gọi mới là Ban Dân tộc – Tôn giáo. Sau tiếp nhận 9 công chức và 1 hợp đồng lao động, ban có 26 công chức và 4 hợp đồng lao động, với 1 trưởng ban, 2 phó ban và 23 biên chế thuộc 3 phòng chuyên môn.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu: Các sở, ban tiếp tục lưu ý các căn cứ pháp lý để hoàn thiện đề án. Tính toán, hợp nhất các phòng, đơn vị để tinh gọn bộ máy hơn nữa. Cân nhắc chọn tên gọi các phòng, đơn vị sao cho hài hòa, phù hợp. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban.
Hoàn thành đề án trước ngày 23/12 để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Riêng Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng tiêu chí chung để bố trí các chức lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới.
Ngày 20/12, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, có buổi làm việc với Ban Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông về đề án hợp nhất 2 sở. Cùng dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ.
Sở Khoa học và Công nghệ hiện có 22 biên chế công chức, với 1 Giám đốc, 2 Phó Giám đốc và 19 công chức thuộc 4 tổ chức, phòng chuyên môn. Ngoài ra còn có 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc với 20 biên chế viên chức.
Còn Sở Thông tin và Truyền thông có 24 biên chế công chức, với 3 Phó Giám đốc và 21 công chức thuộc 5 tổ chức, phòng chuyên môn. Sở còn có 1 đơn vị sự nghiệp công lập với 11 biên chế viên chức.
Theo đề án, sau khi hợp nhất sẽ có tên gọi Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, với 1 Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Sẽ hợp nhất Văn phòng, Thanh tra 2 Sở, hợp nhất các phòng thành 4 phòng chuyên môn là: Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Phòng Khoa học; Phòng Công nghệ; Phòng Thông tin – Bưu chính – Xuất bản.
Sở sau hợp nhất sẽ có 2 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Như vậy, dự kiến sau hợp nhất, hai đơn vị này giảm 2 Phó Giám đốc, từ 9 tổ chức, phòng chuyên môn giảm còn 6.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị sau buổi làm việc, 2 Sở tiếp tục nghiên cứu phương án hợp nhất các phòng chuyên môn theo hướng tinh gọn hơn nữa nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Tính toán cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Sở mới. Nghiên cứu đề xuất phương án giữ nguyên hoặc hợp nhất 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xây dựng vị trí việc làm để thông qua Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh vào ngày 23/12 tới.