Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, các bên tham chiến thực hiện cuộc tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực. Vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới quân sự tạm thời 2 miền đất nước và dự định sẽ thống nhất bằng một cuộc tuyển cử tự do vào tháng 7/1956.
Để bảo đảm thống nhất lãnh đạo cuộc vận động lập quan hệ Bắc - Nam, ngày 14/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định về việc thành lập Ban Quan hệ Bắc – Nam.
Một trong những nhiệm vụ của Ban Quan hệ Bắc - Nam là "nghiên cứu chính sách, theo dõi và góp ý kiến đối với các cơ quan phụ trách về sự thực hiện chính sách đối với đồng bào, cán bộ, gia đình cán bộ miền Nam ra tập kết hoặc tự động ra ở miền Bắc, đối với đồng bào miền Nam đi lại miền Bắc" .
Năm 1960, Ban Quan hệ Bắc - Nam đổi tên thành Ủy ban Thống nhất, từ năm 1974 có tên là Ủy ban Thống nhất Chính phủ.
Những kỷ vật của cán bộ đi B
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bộ Nội vụ là của cán bộ đi B dân sự gồm các cán bộ là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo…
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gồm toàn bộ hồ sơ, giấy tờ được hình thành từ các cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác sau đó trở về miền Nam.
Từ khi tiếp nhận, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiến hành phân loại tài liệu, thống kê, sắp xếp, chỉnh lý khoa học đối với khối tài liệu Hồ sơ, kỷ vật đi B. Hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên gọi của cán bộ theo địa phương là quê quán hay nơi sinh của cán bộ đi B (tên tỉnh, thành phố).
Toàn bộ danh mục hồ sơ, tài liệu đã được xây dựng cơ sở dữ liệu có đầy đủ thông tin phục vụ việc quản lý, đặc biệt, phần mềm cơ sở dữ liệu thân thiện, với nhiều trường thông tin (họ tên, bí danh, quê quán, thời gian đi B, cơ quan trước khi đi B…) phục vụ nhanh chóng nhu cầu tra cứu, tra tìm quản lý và phát huy giá trị của khối tài liệu này.
Song song với dữ liệu trên máy tính, toàn bộ mục lục hồ sơ tài liệu còn được in thành các bộ mục lục phục vụ cho việc tra cứu tại phòng Đọc của Trung tâm.
Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với các cơ quan ở các địa phương đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B.
Trong đó có dữ liệu danh mục và 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.
Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B.
Đồng thời, đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III còn tổ chức các hoạt động như trưng bày, triển lãm, đăng tin, bài giới thiệu Hố sơ đi B để thông tin đến nhân dân, cán bộ đi B và thân nhân…
Đến nay có khoảng 60% cán bộ đi B, thân nhân đã nhận được bản sao Hồ sơ, kỷ vật của mình.
Nỗ lực gìn giữ an toàn và mong muốn những hồ sơ, kỷ vật vô giá của những cán bộ đi B do đã chuyển chỗ ở, do điều kiện, hoàn cảnh (hoặc thân nhân) chưa nhận được, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bộ Nộ vụ mong muốn sẽ sớm được trao gửi khối tài liệu, kỷ vật quý giá này.
Trung tâm cũng mong muốn được tiếp nhận những kỷ vật chiến trường và kỷ vật sau chiến tranh của những cán bộ đi B để quản lý trọn vẹn những ký ức, kỷ vật xuyên suốt hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.