In bài viết

Giám sát là để phát hiện những bất cập, qua đó đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, không phải "bới lông tìm vết"

17:45 - 27/06/2022

(Chinhphu.vn) - Thông qua giám sát, thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu có phát hiện sai phạm thì kiến nghi các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Giám sát là để phát hiện những bất cập, hạn chế về hoàn thiện chính sách, pháp luật, không phải "bới lông tìm vết" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Giám sát là để phát hiện ra những bất cập, hạn chế về chính sách pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Giám sát không phải việc đi "bới lông tìm vết". Ảnh Quochoi.vn

Giám sát để phát hiện những bất cập, hạn chế để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ngày 27/6, Đoàn Giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về "việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021".

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Dương Thanh Bình; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Niê K'đăm; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; các thành viên Đoàn giám sát và đại diện Sở, ngành tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Giám sát là để phát hiện ra những bất cập, hạn chế về chính sách pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Giám sát không phải việc đi "bới lông tìm vết". Thông qua giám sát, thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Nếu có phát hiện sai phạm thì kiến nghi các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu từ công tác bồi thường, hỗ trợ và giao đất tái định cư

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp 12.807 lượt với 9.772 vụ việc, trong đó tiếp công dân định kỳ là 1.731 lượt, tiếp thường xuyên là 10.759 lượt và 317 lượt tiếp đột xuất.

Về khiếu nại, tố cáo, tổng số đơn tiếp nhận là 6.629 đơn, trong đó có 1.009 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết với 894 đơn khiếu nại, 115 đơn tố cáo.

Hiện tại, Khánh Hòa đã giải quyết xong 854/894 vụ khiếu nại, đạt tỷ lệ 95,53% và 115/115 vụ việc tố cáo. Qua giải quyết, đã thu về cho Nhà nước 74 triệu đồng, trả cho công dân 202m2 đất và 3.668,876 triệu đồng.

Qua quá trình thực hiện, Khánh Hòa thấy rằng, công tác tiếp công dân định kỳ và việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc tiếp công dân, xử lý đơn của một số cơ quan chưa được thực hiện thường xuyên. Việc khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu từ công tác bồi thường, hỗ trợ và giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Giám sát là để phát hiện những bất cập, hạn chế về hoàn thiện chính sách, pháp luật, không phải "bới lông tìm vết" - Ảnh 2.

Khánh Hòa đề xuất xây dựng cơ chế tiếp công dân, đối thoại trực tuyến trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đề xuất xây dựng cơ chế tiếp công dân, đối thoại trực tuyến trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo

Khánh Hòa kiến nghị, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là Luật Đất đai nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.

Chính phủ xem xét, xây dựng cơ chế tiếp công dân, đối thoại trực tuyến trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân theo hướng người đứng đầu cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân trong trường hợp công tác đột xuất…

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, trong thời gian qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; đặc biệt, công tác đối thoại đã được phát huy, áp dụng thiết thực, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ thực tế, số đơn thư khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn Khánh Hòa đã tăng 155% so với giai đoạn 2010 - 2015 và diễn biến phức tạp. Có nhiều trường hợp phân loại chưa chính xác giữa phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; có tình trạng phân loại theo tên gọi của đơn do công dân đặt mà chưa bám sát vào bản chất, nội dung chính của vụ việc nêu trong đơn…

Đoàn giám sát đề nghị, Khánh Hòa phân tích, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn về những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo gia tăng so với giai đoạn trước; đánh giá sâu sắc hơn về hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; mức độ vi phạm và các biện pháp xử lý đã áp dụng đối với cán bộ, công chức có sai phạm được phát hiện qua giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Giám sát là để phát hiện những bất cập, hạn chế về hoàn thiện chính sách, pháp luật, không phải "bới lông tìm vết" - Ảnh 3.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Quochoi.vn

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngay từ cơ sở, từ khi vụ việc mới phát sinh

Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao công tác thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Khánh Hòa; cho rằng, những kết quả đạt được đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.

Chia sẻ những khó khăn, bất cập trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là việc áp dụng một số chính sách, pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này trong quá trình xây dựng luật để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, đưa các luật được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý với Khánh Hòa, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở tiếp dân riêng của UBND tỉnh theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tại các phòng tiếp công dân, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thống nhất phần mềm quản lý.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết, áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết về nội dung.

Đồng thời, Khánh Hòa cần tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt coi trọng ngay từ cơ sở, ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.

Đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, tồn đọng, đông người, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan có liên quan ở địa phương để xử lý dứt điểm vụ việc, tránh phát sinh các điểm nóng khiếu kiện, phức tạp./.

Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã nghe UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo về một số vụ việc cụ thể trên địa bàn./.

BT (tổng hợp)