In bài viết

Giá trị của các văn bản, giấy tờ của các cơ quan đã ban hành sau khi sắp xếp bộ máy?

10:31 - 10/01/2025

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy đề xuất quy định về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành; rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện các cam kết quốc tế 

Về việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Điều 8 dự thảo quy định: Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chủ động rà soát quy định của điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế bị tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy;

Thông báo, trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về sự cần thiết sửa đổi quy định liên quan đến tên gọi của cơ quan được quy định trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Các cơ quan có trách nhiệm thông báo với đối tác nước ngoài về việc kế thừa toàn bộ thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan (ngoài các thoả thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ) và chủ động tiến hành thủ tục sửa đổi quy định của thỏa thuận quốc tế bị tác động (nếu có).

Trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong điều ước quốc tế đã có hiệu lực thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau: Cơ quan liên quan chủ động rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, thông báo cho Bộ Ngoại giao. 

Trên cơ sở thống nhất ý kiến với cơ quan đó, Bộ Ngoại giao gửi Công hàm cho đối tác nước ngoài thông báo về việc sửa đổi quy định của điều ước quốc tế. Trường hợp phát sinh vấn đề ngoài dự liệu, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong thỏa thuận quốc tế thì thực hiện theo trình tự, thủ tục sau: Cơ quan liên quan chủ động rà soát, trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về việc sửa đổi quy định tên gọi của cơ quan; sau đó thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc sửa đổi.

Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã hoàn tất đàm phán nhưng chưa ký thì cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài chỉnh sửa quy định về tên gọi cơ quan (nếu có).

Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã ký nhưng chưa có hiệu lực thì cơ quan liên quan có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về cách thức chỉnh sửa quy định về tên gọi cơ quan (nếu cần) và thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp theo dõi.

Trường hợp phát sinh các vấn đề khác trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao căn cứ các nguyên tắc tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện.

Giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành

Về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành, Điều 9 quy định: Giấy tờ hành chính, văn bản do các cơ quan cấp, ban hành theo thẩm quyền trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tiếp tục có hiệu lực cho đến khi bị thay thế, bãi bỏ hoặc bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật bởi cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp; 

Trường hợp cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp đổi các giấy tờ đó thì không phải nộp phí, lệ phí thực hiện.

Rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật

Về việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, Điều 10 quy định: Các cơ quan có trách nhiệm kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết này để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tránh khoảng trống pháp luật, trừ các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết này.

Các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật có thay đổi về thẩm quyền, chức danh, quy trình, trình tự, thủ tục và các nội dung khác, trừ nội dung quy định tại Điều 4, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp.

Điều 11, dự thảo quy định xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết như sau: Đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết này, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, hướng dẫn tạm thời để triển khai thực hiện thống nhất, kịp thời các vấn đề phát sinh.

Quy định chuyển tiếp

Điều 12 quy định: Các công việc đang được thực hiện bởi các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sử dụng các bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in sẵn trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tiết kiệm, đúng quy định pháp luật.

Trường hợp cần thiết, các bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in, cấp, phát hành theo quy định tiếp tục được sử dụng và được công nhận giá trị pháp lý cho tới khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc in, cấp, phát hành phôi, mẫu giấy tờ thay thế theo quy định pháp luật.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy