Lý giải về việc lựa chọn tốc độ 350km/h cho đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, xu thế thế giới tốc độ tàu hỏa 250 km/h đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến trong giai đoạn khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình.
Tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2023 của Hiệp hội đường sắt thế giới, tổng chiều dài đường sắt tốc độ cao đưa vào khai thác giai đoạn từ 1964-2010 có tốc độ dưới 300 km/h, chiếm khoảng 53,2% ; giai đoạn từ 2010 đến nay, xu hướng tỷ lệ tốc độ thiết kế từ 300 km/h trở lên chiếm chủ yếu.
Với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta (kết nối 2 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I quy mô dân số 500.000 dân, khoảng 54% dân số đô thị cả nước) lựa chọn tốc độ 350km/h trở lên vì tính hiệu quả.
Về mức độ hấp dẫn, lãnh đạo Bộ GTVT cũng phân tích: Kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km thì tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250 km/h.
Bộ GTVT dự báo: Tới năm 2050, nếu như tốc độ 250 km/h có khối lượng 87 triệu khách thì tàu chạy tốc độ 350 km/h sẽ có khối lượng 119 triệu khách.
"Theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TPHCM, tốc độ 350km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h. Tương tự, tốc độ 350km/h với chặng Hà Nội - Nha Trang sẽ hút khách cao hơn khoảng 26,5%, chặng Hà Nội - Đà Nẵng cao hơn khoảng 23,8%", Thứ trưởng cho hay.
Đặc biệt, Bộ GTVT khẳng định: Chi phí đầu tư đường sắt tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8-9% (hạ tầng cao hơn khoảng 7%; phương tiện, thiết bị cao hơn khoảng 17%). Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả.