Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 19 - 22/12 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhân dịp này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển lãm đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí.
Đồng chí Thứ trưởng có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 - 22/12/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Đây là dấu mốc khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường 80 năm qua.
Triển lãm nhằm góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; nắm bắt xu thế công nghệ tiên tiến trên thế giới để chúng ta nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Đồng thời, triển lãm sẽ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam; xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác, tiếp cận những thị trường tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng vươn ra thị trường thế giới.
Đây cũng là dịp chúng ta giới thiệu, quảng bá về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Khơi dậy, lan tỏa lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, tích lũy kinh nghiệm và bài học thực tế để xây dựng, quảng bá thương hiệu Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế. Đề nghị đồng chí Thứ trưởng cho biết những điểm nhấn nổi bật của triển lãm lần này?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm lần này có quy mô lớn hơn so với lần đầu tiên chúng ta tổ chức vào năm 2022.
Cụ thể: Số chủng loại vũ khí, khí tài trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam được trưng bày với số lượng lớn, đa dạng, phong phú hơn. Số sản phẩm công nghiệp quốc phòng, hậu cần, kỹ thuật trong nước sản xuất được trưng bày nhiều hơn.
Triển lãm lần này cũng thu hút số lượng lớn hơn công ty của các nước tham gia, trong đó bao gồm các nước có tiềm lực quân sự và nền công nghiệp quốc phòng phát triển hàng đầu thế giới, như: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, I-xra-en...
Tổng diện tích của khu vực tổ chức triển lãm tăng gấp đôi (hơn 100.000 m2); diện tích các khu trưng bày ngoài trời cũng như những gian hàng trong nhà đều lớn hơn triển lãm lần thứ nhất.
Quy mô mở rộng hơn của triển lãm năm nay đã cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng trong nỗ lực xây dựng thương hiệu triển lãm quốc phòng của Việt Nam, để đây sẽ trở thành điểm hẹn hai năm một lần có sức hấp dẫn đối với các tập đoàn, công ty, các nhà nghiên cứu, sản xuất quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang tới tìm kiếm cơ hội hợp tác, gặp gỡ, trao đổi, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Khách mời quốc tế tham dự triển lãm ngoài các đoàn cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng còn có đoàn cấp Tổng Tham mưu trưởng/Tư lệnh Lực lượng quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ huy các quân, binh chủng... của các nước.
Tất cả những điều này là minh chứng khẳng định lòng tin của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Họ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Bộ Quốc phòng sẽ làm gì để thúc đẩy mục tiêu đưa Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam thực sự trở thành một thương hiệu quốc gia ngang tầm khu vực và thế giới, thưa đồng chí Thứ trưởng?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Để đưa Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam trở thành một thương hiệu quốc gia ngang tầm khu vực và trên thế giới, trước hết chúng ta cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức cũng như không ngừng đổi mới nội dung và phương thức tổ chức, tạo được dấu ấn riêng, có sức cạnh tranh để đây không chỉ là nơi trưng bày những khí tài tiên tiến, hiện đại nhất thế giới mà còn mang tới cả những giải pháp công nghệ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy thương mại quân sự.
Đồng thời, là nơi để khách có thể tham quan, chứng kiến những thành tựu của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển bùng nổ trên thế giới, cũng như tham quan thực tế những sản phẩm công nghiệp quốc phòng của các nước và Việt Nam.
Chúng ta cũng cần tiến tới xây dựng một khu vực riêng để tổ chức triển lãm mang tính chuyên nghiệp, chuyên đề ở một khu vực, địa điểm ổn định, phù hợp.
Và quan trọng là, qua mỗi lần triển lãm cần tổ chức rút kinh nghiệm một cách toàn diện, tổng thể để lần sau tổ chức được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục cử các đoàn đi tham quan, nghiên cứu triển lãm quốc phòng của các nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học tập các mô hình và phương pháp tổ chức triển lãm tiên tiến trên thế giới.
Điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam mang tính chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam; có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, khuyến khích các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia triển lãm.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!