Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học; làm căn cứ thực hiện tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương "chuẩn hóa đội ngũ" của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, dự thảo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo thống nhất đối với cả nhà giáo công lập, dân lập, tư thục.
Việc thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng miền, loại hình cơ sở giáo dục.
Chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục xây dựng đề án vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.
Chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục bao gồm: Giáo viên mầm non; giáo viên tiểu học; giáo viên trung học cơ sở; giáo viên trung học phổ thông; giáo viên dự bị đại học; giáo viên giáo dục thường xuyên; giáo viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên cao đẳng sư phạm; giảng viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên đại học.
Dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về xếp hạng nhà giáo, theo đó, Mỗi chức danh nhà giáo được phân loại như sau:
- Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;
- Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).
Chuẩn nhà giáo là hệ thống phẩm chất, năng lực mà nhà giáo cần đạt được để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các cơ sở giáo dục, bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho từng chức danh nhà giáo.
Chuẩn nhà giáo bao gồm các tiêu chuẩn về
1- Phẩm chất, đạo đức nhà giáo.
2- Trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
3- Năng lực chuyên môn.
4- Nhiệm vụ theo cấp chức danh nhà giáo.
5- Sức khỏe.
Dự thảo Luật quy định chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục là hệ thống các yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà người đứng đầu cơ sở giáo dục cần đạt được để đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải bảo đảm đạt chuẩn nhà giáo và các tiêu chuẩn về quản trị cơ sở giáo dục gồm có:
(1) Xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển nhà trường;
(2) Quản trị hoạt động và chất lượng giáo dục;
(3) Quản trị nhân sự;
(4) Quản trị tổ chức, hành chính;
(5) Quản trị tài chính;
(6) Quản trị cơ sở vật chất và công nghệ;
(7) Xây dựng môi trường giáo dục;
(8) Thực hiện quy định về dân chủ ở cơ sở và kiểm tra nội bộ cơ sở giáo dục.