Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo tại TPHCM.
Tại hội nghị, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) báo cáo đề dẫn hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức khẳng định việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo với sự nghiệp giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng luật này.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện 9 nội dung khi xây dựng Luật Nhà giáo.
Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã thể hiện quan điểm, sự quyết tâm của Chính phủ trong thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nhà giáo, tháo gỡ các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và kiến tạo các chính sách mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà giáo phát triển.
Bộ GD&ĐT đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo tạo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong đó, chính sách định danh nhà giáo nhằm định nghĩa tường minh về nhà giáo, xác định rõ vị trí, vai trò của nhà giáo và tính đặc trưng trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khác biệt so với các ngành nghề khác. Việc này làm căn cứ xây dựng các chế độ, chính sách tương xứng, phù hợp với nhà giáo.
Chính sách này cũng nhấn mạnh hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức,…
Về chính sách tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào luật.
Theo đó, giấy chứng nhận này là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.
Liên quan đến chế độ làm việc, theo chính sách được Bộ GD&ĐT đề xuất, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo được thể hiện thành chế độ làm việc đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và được quy đổi đảm bảo thời giờ làm việc 40 giờ/tuần.
Trong đó, thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả nhà giáo giữ chức vụ quản lý) bao gồm: nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm theo quy định của bộ luật Lao động. Việc bố trí 8 tuần nghỉ hè hàng năm do cơ sở giáo dục quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm phù hợp điều kiện cơ sở giáo dục.