In bài viết

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin

21:45 - 05/04/2024

(Chinhphu.vn) - Tại lễ ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa ký năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Nguyễn Thị Hương cho biết, cuộc điều tra này được thực hiện nhằm hai mục đích, thu thập thông tin về 7 nội dung chính và ý nghĩa, điểm mới của cuộc điều tra.

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Ảnh VGP

Hai mục đích chính của cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024

Được biết cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được tiến hành giữa 2 kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở, vậy, Tổng cục trưởng có thể cho biết mục đích của cuộc điều tra này và vì sao chúng ta phải tiến hành Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ trong khi chúng ta đã có Tổng điều tra Dân số và nhà ở?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trước hết, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 là cuộc điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia được ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia, ngày 14/7/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký Quyết định số 629/QĐ-TCTK về Ban hành Phương án Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024.

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được thực hiện nhằm hai mục đích chính:

Thứ nhất, thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Cần nhấn mạnh rằng thông tin từ Cuộc điều tra này là nguồn dữ liệu quan trọng để báo cáo mục tiêu phát triển bền vững (SDG), có tới 107 trong số 232 chỉ tiêu của mục tiêu phát triển bền vững yêu cầu dữ liệu dân số để tính toán. 

Gần 20 chỉ tiêu SDG có thể được tính toán trực tiếp và đầy đủ chỉ từ dữ liệu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024, giúp chúng ta có hệ thống dữ liệu chất lượng phục vụ cho việc theo dõi, giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cũng như Các mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm đảm bảo không để ai bị bỏ lại phải sau.

Thứ hai, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 - 2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Ngoài hai mục đích chính trên, do quy mô mẫu đủ lớn nên kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 sẽ được sử dụng để tiến hành các phân tích chuyên sâu về sự chuyển dịch nhân khẩu học ở Việt Nam, xu hướng già hóa dân số, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, tình trạng sử dụng nhà ở và điều kiện sống của người dân.

Con người vừa mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy phát triển con người luôn được chú trọng và đề cập trong các nghị quyết của Đảng và các chính sách của Nhà nước. 

Việc cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy về quy mô dân số, tình trạng nhà ở và một số các đặc trưng cơ bản khác ở phạm vi quốc gia và ở các cấp hành chính nhỏ hơn có giá trị đặc biệt quan trọng phục vụ cho việc quản lý, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội. 

Lý do điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc tại Lễ ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Mặc dù hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Cơ sở dữ liệu này hiện đang giao cho Bộ Công an quản lý), song chúng ta vẫn cần triển khai Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ vì một số lý do sau:

Trước hết, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 nói riêng nhằm thu thập thông tin về con người trong đời sống kinh tế - xã hội thực tế của một khu vực địa lý, một quốc gia theo các tiêu chí được quy định và áp dụng trên toàn thế giới. Các tiêu chí này chưa có và không hoàn toàn thống nhất với quy định của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, điều tra dân số không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các thông tin về nhà ở của các hộ dân cư cùng với một số chỉ tiêu thống kê quan trọng khác để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân như: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh, trình độ học vấn của dân số, tỷ lệ người biết chữ phổ thông, tỷ suất di cư thuần của dân số; tỷ suất sinh, tỷ suất chết, các đặc điểm nhà ở của hộ dân cư…

Những chỉ tiêu thống kê này hiện chưa thể tính toán được từ nguồn cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Ngoài ra, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin cá nhân, trong khi các thông tin thu thập từ Điều tra dân số là thông tin về cá nhân sống trong một hộ dân cư.

Trên thực tế, đặc trưng của mỗi cá nhân bị tác động rất nhiều bởi đặc trưng của hộ, những người sống cùng trong hộ và các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của họ. Các nghiên cứu, phân tích và chính sách phần nhiều phải dựa vào hộ dân cư, mà thông tin về hộ và các đặc điểm của hộ thì chưa có được từ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Trên tất cả, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang tính pháp lý, bảo mật và riêng tư. Hiện nay, cơ chế chia sẻ nguồn dữ liệu này phục vụ công tác thống kê còn đang thiếu, vì vậy khả năng tiếp cận nguồn thông tin này phục vụ các hoạt động nghiên cứu và phân tích của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn gặp nhiều hạn chế.

Điều tra viên đến từng hộ, thu thập thông tin về 7 nội dung chính

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 3.

Điều tra viên thực hiện lấy thông tin theo mẫu tại các hộ.

Đây là lần thứ hai ngành Thống kê thực hiện Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, xin Tổng cục trưởng cho biết quy mô, tính chất của cuộc điều tra này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Thời gian thu thập thông tin trong Điều tra Dân số giữa kỳ 2024 bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 năm 2024 đến ngày 30 tháng 4 năm 2024. Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

Điều tra Dân số giữa kỳ 2024 được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố), gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện), ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ là: Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng); Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng); Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Điều tra Dân số giữa kỳ 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, mẫu được thiết kế đảm bảo mức độ đại diện đến cấp huyện đối với chỉ tiêu về quy mô dân số và cấp tỉnh đối với các chỉ tiêu còn lại. 

Điều tra Dân số giữa kỳ 2024 sử dụng dàn mẫu tổng thể của Tổng điều tra 2019 làm dàn chọn mẫu. Điều tra Dân số giữa kỳ 2024 có cỡ mẫu 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương gần 40.000 địa bàn), mẫu được chọn ở tất cả các huyện với quy mô mẫu đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô dân số được đại diện đến cấp huyện (khoảng trên 1,1 triệu hộ mẫu).

Điều tra Dân số giữa kỳ 2024 áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh (CAPI). 

Một số trường hợp đặc biệt, đối với những đối tượng điều tra không thể tiếp cận trực tiếp hoặc tiếp cận nhiều lần không được, Cục trưởng Cục Thống kê quyết định lựa chọn phương pháp thu thập thông tin phù hợp bằng cách gửi mẫu phiếu giấy để đối tượng điều tra tự cung cấp thông tin.

Điều tra DSGK 2024 thu thập thông tin về 7 nội dung chính là: Thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; Thông tin về di cư; Thông tin về giáo dục; Thông tin về hôn nhân; Thông tin về lịch sử sinh của nữ từ 10 - 49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ; Thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH thời kỳ 2021 - 2025; phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 4.

Với tính chất, quy mô của một cuộc điều tra giữa kỳ thì yêu cầu đặt ra cho cuộc điều tra này là gì, thưa Tổng cục trưởng? Và kết quả của cuộc điều tra có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Đây là cuộc điều tra quan trọng, cần đảm bảo các yêu cầu: Thực hiện đúng các nội dung quy định trong Phương án. Bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê. Quản lý và sử dụng kinh phí của cuộc điều tra, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. 

Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu thông tin liên quan đến dân số của các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đối với các chỉ tiêu dân số phân tổ đến cấp tỉnh, cấp huyện); đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Xuất phát từ mục đích của Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 có thể thấy, kết quả của cuộc điều tra phục vụ Đảng, Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. 

Đồng thời, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 - 2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Cũng từ kết quả cuộc điều tra, chúng ta sẽ thấy được sự chuyển dịch nhân khẩu học ở Việt Nam, xu hướng già hóa dân số, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, tình trạng sử dụng nhà ở và điều kiện sống của người dân trong thời gian qua, để từ đó có những chính sách, giải pháp giải quyết các xu hướng, vấn đề xã hội đang tồn tại.

Bổ sung đối tượng điều tra là người có quốc tịch nước ngoài nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế 

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 5.

Điểm mới trong nội dung Điều tra dân số nhà ở giữa kỳ năm 2024 là thu thập thông tin của người có quốc tịch nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy Tổng cục trưởng có thể cho biết vì sao phải thu thập thông tin về người nước ngoài?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: So với các cuộc điều tra trước về dân số, Điều tra dân số giữa kỳ 2024 có một số điểm mới, trong đó điểm mới đáng chú ý là người có quốc tịch nước ngoài lần đầu tiên được đưa vào là đối tượng điều tra. 

Việc bổ sung đối tượng điều tra là người có quốc tịch nước ngoài nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để "không ai bị bỏ lại phía sau". Công tác thu thập thông tin đối với người nước ngoài được quy định cụ thể như sau:

- Đối với hộ có người nước ngoài sống cùng người Việt Nam: Thu thập các thông tin như đối với người Việt Nam (trường hợp người nước ngoài nghe và nói được tiếng Việt: Phỏng vấn trực tiếp người nước ngoài; trường hợp người nước ngoài không thể nghe và nói được tiếng Việt: Hỏi thông tin về người nước ngoài qua người Việt Nam sống cùng trong hộ).

- Đối với hộ chỉ bao gồm người nước ngoài: Sử dụng phiếu dành riêng cho người nước ngoài chỉ gồm 10 câu hỏi để thu thập thông tin về giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển, tình trạng nhà ở của hộ (phiếu điều tra được dịch ra 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để phù hợp nhất với hộ người nước ngoài được chọn).

Cũng từ điểm mới đưa người có quốc tịch nước ngoài vào là đối tượng điều tra nên ngoài phương pháp thu thập thông tin phỏng vấn trực tiếp như các cuộc điều tra trước đây, Điều tra DSGK 2024 còn kết hợp phương pháp gián tiếp, áp dụng đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt. 

Thêm vào đó, bên cạnh việc sử dụng phiếu điều tra điện tử cài đặt trên thiết bị di động là chính, Điều tra dân số giữa kỳ 2024 còn sử dụng phiếu điều tra in trên giấy để gửi đến hộ kèm Thư gửi hộ đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.

Phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Công an

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 6.

Các điều tra viên của tỉnh Lào Cai thực hiện điều tra tại địa bàn phụ trách.

Trong cuộc điều tra này, công tác phối hợp giữa, bộ ngành, địa phương… được thực hiện ra sao, nhất là với Bộ Công an khi họ đã có hệ thống dữ liệu về dân cư?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Ngay từ khi ngành Thống kê tiến hành xây dựng Phương án điều tra DSGK 2024 cho đến khâu lập bảng kê, tập huấn… đều có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Công an.

Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng và là một trong những cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. 

Để phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg. 

Đề án 06 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số đảm bảo nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Kết quả cuộc điều tra sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trong Đề án 06.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Trong suốt gần 50 năm qua, UNFPA luôn đồng hành cùng Tổng cục Thống kê và ngành Thống kê Việt Nam trong các kỳ Tổng điều tra dân số thông qua hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong thu thập, phân tích và sử dụng kết quả điều tra thống kê. 

Trong cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần này, UNFPA được mời tham gia thử nghiệm phương án điều tra (thông qua Điều tra thí điểm tại Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh), thử nghiệm bảng hỏi, hội nghị tập huấn cấp Trung ương cho điều tra viên và lực lượng giám sát.

"Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn" và "Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: 2 mục đích, 7 nội dung thu thập thông tin- Ảnh 7.

Điều tra viên ra quân xuống địa bàn thực hiện điều tra dân số

Xin Tổng cục trưởng cho biết yếu tố nào quyết định thắng lợi của cuộc điều tra: Trách nhiệm của điều tra viên? Tinh thần ủng hộ của người dân, sự phối hợp của các bộ, ngành của Tổ công tác các cấp (trung ương, tỉnh)? Trong không khí ra quân hôm nay, Tổng cục trưởng có nhắn nhủ gì tới các điều tra viên, đến mọi người dân?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Có rất nhiều yếu tố quyết định thắng lợi cuộc điều tra như: Sự chỉ đạo sát của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sự quyết liệt chỉ đạo chuyên môn trong toàn ngành Thống kê. 

Cùng với đó là sự vào cuộc, phối hợp tích cực của bộ, ngành, địa phương; tinh thần trách nhiệm của thành viên Tổ công tác các cấp (trung ương, tỉnh), giám sát viên, điều tra viên và đặc biệt là sự ủng hộ, hợp tác của mọi người dân trong việc cung cấp thông tin chính xác cho điều tra viên.

Trong không khí ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, tôi đề nghị các điều tra viên, giám sát viên, thành viên tổ công tác điều tra các cấp (trung ương, tỉnh) phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện điều tra dân số giữ kỳ 2024 tại các địa phương trên cả nước.

Tôi cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ, hợp tác của Nhân dân trong cung cấp thông tin cho các điều tra viên, để chúng ta có được thông tin đầu vào chính xác, từ đó có được bộ dữ liệu liên quan đến dân số và nhà ở, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong giai đoạn mới theo đúng tinh thần "Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn" và "Không để ai bị bỏ lại phía sau"./.

Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!