Ngày 16/11, Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Do ảnh hưởng mưa lớn kèo dài nên vào khoảng 11 giờ 15 ngày 16/11, tại Km59+790, khu vực đèo Khánh Lê thuộc Quốc lộ 27C, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở, giao thông tê liệt hoàn toàn.
Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân, du khách hạn chế đi lại qua tuyến đèo.
Theo phía tỉnh Khánh Hòa cho biết: Dự kiến đến 17 giờ cùng ngày mới hoàn thành việc dọn đất đá, đường đèo này mới có thể thông tuyến.
Thời điểm hiện tại đang mưa lớn, vách núi trên đèo Khánh Lê đã bị ngấm nước, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào nên khuyến cáo người dân, du khách hạn chế đi lại qua tuyến đèo.
Đoạn qua đèo Khánh Lê cao 1.700m, dài 33 km, tuyến đèo uốn lượn qua nhiều vách núi, khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300m.
Trong 2 ngày 15 và 16/11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to ở nhiều nơi. Tại TP Nha Trang, một số tuyến đường bị ngập lụt cục bộ.
Để hạn chế nguy hiểm, khuyến cáo người dân, du khách tạm thời hạn chế lưu thông trên tuyến đèo này.
Theo ông Tạ Thanh Tình, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.3 (Khu Quản lý đường bộ III), khoảng 13 giờ ngày 16/11, tuyến Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt) đã bị chia cắt.
Theo đó, vào khoảng thời gian trên tại khu vực đèo Khánh Lê (Km59+790) đã xảy ra vụ sạt lở lớn. Một lượng đất đá khổng lồ đổ từ taluy dương của tuyến đường xuống mặt đường, làm cho tuyến đường bị tắt hoàn toàn. Bên cạnh đó, một số điểm trên tuyến cũng đã có hiện tượng bị sạt trượt.
Ngay sau sạt lở, Văn phòng Quản lý đường bộ III.3 đã yêu cầu nhà thầu bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường khẩn trương huy động tối đa nhân lực, máy móc tới hiện trường để thực hiện hốt dọn, giải phóng hiện trường, sớm thông tuyến và cảnh giới giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho biết, sở cùng với Văn phòng Quản lý đường bộ III đang trực tiếp lên hiện trường để chỉ đạo thông đường.
Đồng thời, ngoài nhà thầu bảo trì, bảo dưỡng, sở sẽ liên hệ với ngành giao thông vận tải Lâm Đồng hỗ trợ để thông đường một cách nhanh nhất, sớm nhất, tạo điều kiện cho người dân lưu thông.
"Hiện nay đường đã đóng, người dân nếu có việc cần đi theo hướng khác, không lưu thông trên Quốc lộ 27C đoạn đèo Khánh Lê để bảo đảm an toàn", ông Dần khuyến cáo.
Chiều 16/11, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa khẳng định, Tỉnh lộ 9 trên địa bàn huyện Khánh Sơn vẫn lưu thông bình thường, không có chuyện bị chia cắt như một số trang mạng xã hội đưa thông tin.
Ông Dần cũng cho biết thêm, mấy ngày nay mưa lớn trên diện rộng nhiều nơi trên địa bàn huyện Khánh Sơn và TP. Cam Ranh đã khiến tuyến đường Tỉnh lộ 9 bị sạt lở một vài vị trí. Tuy nhiên, những vị trí sạt lở không nặng, khối lượng không nhiều.
Ngay sau khi sạt lở, đơn vị bảo trì, duy tu bảo dưỡng tuyến đường đã lập tức hốt dọn để bảo đảm an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trên tuyến.
“Hiện nay, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, trong khi Tỉnh lộ 9 lại có địa hình quanh co, đồi dốc, hay bị sạt lở vào mùa mưa.
Vì vậy, người dân khi tham gia giao thông trên tuyến cần hết sức cẩn trọng, thực hiện đúng các quy định pháp luật khi tham gia giao thông”, ông Dần khuyến cáo.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ tại khu vực miền trung, trong hai ngày từ ngày 15/11 đến sáng 16/11 đã có 12 đoàn tàu khách phải dừng chờ tại các ga trên địa bàn Quảng Bình đến Đà Nẵng.
Cụ thể, trong ngày 15/11, tại Thừa Thiên Huế, đoạn đường sắt Bắc - Nam giữa hai ga Huế và Văn Xá bị nước ngập ba đoạn với độ sâu từ 130mm đến 220mm tính từ đỉnh ray.
Ngoài các đoạn đường sắt bị ngập, mưa lớn làm hầm số 8 (km 746+135 đến km 746+690 đường sắt Bắc - Nam) bị bung sụt tường hầm, có nguy cơ phát triển rộng và lan truyền lên vỏ hầm...
Do nhiều đoạn đường sắt bị ngập nên từ sáng 15/11 tàu SE3 dừng tại ga Hiền Sỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên -Huế); tàu SE19 dừng tại ga Quảng Trị; tàu SE1 và SE7 dừng tại ga Đông Hà (Quảng Trị); tàu SE1, SE3, SE5, SE19 dừng tại ga Đồng Hới (Quảng Bình); tàu SE2, SE4, SE6 dừng tại ga Huế; tàu SE8 dừng tại ga Đà Nẵng.
Đặc biệt, do tuyến Quốc lộ 1 qua Huế cũng bị ngập nên ngành đường sắt không thể trung chuyển khách đi tàu bằng đường bộ. Vì vậy, từ ngày 15/11, ngành đường sắt đã phục vụ ăn uống miễn phí cho gần 2.000 hành khách trên các tàu bị kẹt tại các ga trong khi chờ nước rút.
Từ 10h sáng 16/11, nước đã rút dần tại một số đoạn đường sắt, các đoàn tàu kẹt được lệnh khởi hành. Những đoạn đường sắt còn ngập nhẹ tàu được chạy qua với tốc độ 5km/h. Đến 11h trưa 16/11, toàn bộ các đoàn tàu khách bị kẹt đã chạy trở lại.
Lãnh đạo VNR cho hay, do khu vực miền Trung vẫn tiếp tục có mưa nên ngày 16/11 ngành đường sắt tạm dừng khai thác các tàu SE3, SE5, SE2 xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Hành khách có vé trong ngày tàu tạm dừng chạy liên hệ trả vé (không thu phí đổi, trả vé) tại nhà ga trước giờ tàu xuất phát.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Công điện nêu: Từ ngày 12 tháng 11 năm 2023 đến nay, tại khu vực Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt, sạt lở đất, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân; tại Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa đặc biệt lớn, tổng lượng mưa trong 24 giờ (từ ngày 14 đến 15 tháng 11) khoảng 800 - 900 mm, gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy,…
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 15 đến ngày 17 tháng 11 năm 2023, tại khu vực Trung Bộ, nhất là Thừa Thiên Huế còn tiếp tục có mưa to đến rất to; trong bối cảnh những ngày qua đã liên tiếp có mưa lớn kéo dài, hầu hết các hồ chứa cơ bản đã đầy nước, đất bão hòa nước nên nguy cơ cao tiếp tục xảy ra ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, sườn dốc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Cụ thể, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện (bao gồm cả các hộ dân và các cơ quan, đơn vị) ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.
Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ dân buộc phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu chia cắt, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở. Kịp thời tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để hỗ trợ người dân sơ tán và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống.
Chỉ đạo công tác khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, khôi phục các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, học tập của học sinh ngay sau khi lũ rút.
Bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh
Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ theo quy định.
Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống điện tại khu vực bị ngập lũ.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập.
Thứ năm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo phối hợp với địa phương chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Thứ sáu, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo quy định.
Thứ bẩy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin, chủ động hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, ngừa, ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai.
Thứ tám, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ chín, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.