Theo dự thảo, viên chức trợ giúp viên pháp lý được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định của pháp luật.
Đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng thấp hơn hạng liền kề với hạng đăng ký dự xét thăng hạng.
Được đánh giá xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề với năm nộp hồ sơ dự xét thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BTP ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý.
Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hiện giữ theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BTP.
Dự thảo nêu rõ, viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý là người đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định trên, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng phê duyệt kết quả trúng tuyển kỳ xét thăng hạng.
Trường hợp cơ quan, đơn vị cử số lượng viên chức trợ giúp viên pháp lý dự xét thăng hạng nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng đã được phê duyệt thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
1- Viên chức được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đối với toàn bộ hoặc một phần thành tích đạt được về nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý;
2- Viên chức có số vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương nhiều hơn;
3- Viên chức được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương đối với toàn bộ hoặc một phần thành tích đạt được về nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý;
4- Viên chức có số vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp quân khu nhiều hơn;
5- Viên chức có số vụ việc tham gia tố tụng (đã kết thúc) nhiều hơn;
6- Viên chức là nữ;
7- Viên chức là người dân tộc thiểu số;
8- Viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh);
9- Viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.
Trường hợp không xác định được người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng viên chức trợ giúp viên pháp lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức và quyết định người trúng tuyển theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức trợ giúp viên pháp lý.
Trường hợp xét thứ tự ưu tiên trúng tuyển tại điểm (1) và (3) nêu trên mà viên chức có thành tích khen thưởng bằng nhau thì căn cứ vào số lượng khen thưởng tích lũy để tính thứ tự ưu tiên.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.