Báo Tiền phong thông tin, theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20 (mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội từ 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng).
Có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20.
Đặc biệt, 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, với khoảng hơn 2,06 triệu người, tăng 261.907 người so với tháng 3.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước.
Ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, mới đây Chính phủ đã ban hành nghị quyết, giao cho Bộ phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp lên đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Hiện Cục Bảo trợ xã hội đã xây dựng phương án, lấy ý kiến bộ ngành và đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí tăng nguồn lực dành cho đối tượng này, phù hợp với điều kiện ngân sách trong bối cảnh cải cách tiền lương.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, chuẩn trợ cấp mỗi tháng nếu tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7 tới thì kinh phí phát sinh thêm 4.700 tỷ đồng.
Còn phương án tăng lên 750.000 đồng, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm, nếu thực hiện từ 1/7, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Nhóm bảo trợ xã hội bao gồm những người trên 80 tuổi không có lương hưu, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em bị bỏ rơi…